Wave

Giải SBT Ngữ văn 10 kết nối bài 3: Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận (Đọc và Thực hành tiếng Việt)

Giaibaitapsgk cung cấp lời giải BT 10 Kết Nối Tri Thức giúp các em rút ngắn thời gian tóm tắt nội dung bài học, đánh dấu kiến thức trọng tâm. Dựa vào đó có thể nhanh chóng hoàn thành bài tập về nhà cũng như câu hỏi trong sách BT 10 Kết Nối Tri Thức. Việc thiết kế nội dung lời giải vở bài tập lớp 10Kết Nối Tri Thức theo từng bài, từng trang giúp các em nhanh chóng tra cứu đáp án.

Hướng dẫn giải bài 3: Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận (Đọc và Thực hành tiếng Việt) SBT ngữ văn 10 tập 1. Đây là sách bài tập nằm trong bộ sách "Kết nối tri thức" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn.

Đọc và Thực hành tiếng Việt 

Bài tập 1. Đọc lại văn bản Hiền tài là nguyên khí của quốc gia trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 74 – 75) và trả lời các câu hỏi:

1. Theo bạn, những thông tin nào về bối cảnh, điều kiện ra đời của văn bản được nêu trong SGK cần được đặc biệt chú ý? Tại sao bạn lại xác định như vậy?

2. Dựa vào văn bản, hãy liệt kê theo mức độ tăng tiến những việc làm chứng tỏ các “đấng thánh để minh vương” đã “quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng”.

3. Tác giả đã nói như thế nào về tác dụng của việc dựng bia vinh danh những người đỗ đại khoa?

4. Khi soạn bài văn bia, tác giả Thân Nhân Trung nhằm đến đối tượng tiếp nhận chính nào? Hãy nêu những căn cứ mà bạn dựa vào đó để giải đáp vấn đề này.

5. Liệt kê các từ ngữ chỉ vua chúa và nhận xét về quy ước xưng hô được thể hiện trong văn bản (Lưu ý: bản dịch đã dùng lại đúng các từ ngữ chỉ vua chúa trong nguyên tác).

6. Chỉ ra nét khác biệt về nghĩa giữa ba câu sau:

– Hiền tài là báu vật của quốc gia.

– Hiền tài là vốn quý của quốc gia. 

– Hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

Theo bạn, từng câu văn trên được dùng trong những ngữ cảnh nào thì phù hợp?


1. Những thông tin đặc biệt chú ý là: 

– Năm 1484, Thân Nhân Trung vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba để khắc lên bia đặt ở Quốc Tử Giám.

– Truyền thống dựng bia ghi danh tiến sĩ được khởi đầu từ năm 1484 sau sự kiện này.

– Bài kí của Thân Nhân Trung được khắc trên bia ghi tên các tiến sĩ đỗ năm 1442 (niên hiệu Đại Bảo thứ ba), điều đó có nghĩa là bia được dựng sau kì thi năm 1442 đến 42 năm.

Xác định như vậy vì đây là những thông tin quan trọng minh chứng cho việc đất nước ở thời Hậu Lê phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực.

2. Văn bản đã điểm lại những việc làm chứng tỏ các “đấng thánh đế minh vương” đã “quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng” - sự đãi ngộ của triều đình đối với kẻ sĩ tăng tiến theo thời gian

- Tôn trọng danh tiếng của người thi đỗ (“yêu mến cho khoa danh”).

- Phong chức tước và cấp bậc cho người thi đỗ (“đề cao bằng tước trật”).

- Ghi tên người đỗ đạt nơi trang trọng, ban danh hiệu tiến sĩ, mở tiệc khoản đãi (“nêu tên ở tháp Nhạn, ban danh hiệu Long hổ, bày tiệc Văn hỉ”).

- Dựng bia đá ghi tên người đỗ tiến sĩ ở nhà Thái học của Trường Quốc Tử Giám (“dựng đá đề danh đặt ở cửa Hiền Quan”).

3. Tác giả chỉ ra 3 tác dụng của việc dựng bia vinh danh những người đỗ đại khoa:

- Khuyến khích kẻ sĩ trông vào mà phấn chấn hâm mộ, rèn luyện danh tiết, gắng sức giúp vua.

- Cảnh báo xu hướng thoái hoá trong lớp người đỗ đạt vốn được triều đình tin dùng.

- Góp phần làm chấn hưng đất nước.

4. Các đối tượng tiếp nhận chính mà tác giả Thân Nhân Trung nhắm đến khi soạn bài văn bia:

- Vua Lê Thánh Tông - người đã ban lệnh cho tác giả viết bài kí đề danh (văn bia).

- Những người đỗ đại khoa qua các kì thi, được ghi danh trên bia đá ở Quốc Tử Giám.

- Tất cả kẻ sĩ và những “ai xem bia? nghĩa là những người có mối quan tâm đến chủ trương phát triển văn hoá - giáo dục của triều đình, đến con đường phát triển của đất nước và nuôi hoài bão phò vua giúp nước.

Căn cứ: Câu đầu tiên trong văn bản, tác giả đã nghĩ tới vua Lê Thánh Tông, sau đó là những người đỗ đại khoa trong các kì thi được ghi danh, cuối cùng là đề cập đến đối tượng xem bia.

5. Các từ ngữ chỉ vua chúa được sử dụng trong văn bản: “đấng thánh đế minh vương”, “thánh minh”, “thánh thần”. Các từ ngữ được liệt kê ở trên không nằm trong lời đối thoại trực tiếp với vua mà là từ ngữ dùng để nói về vua với tư cách là đối tượng thứ ba. 

=> Thể hiện sự tôn kính nhà vua đồng thời cho thấy được uy quyền lớn lao của vua trong xã hội phong kiến; Thể hiện uy quyền tuyệt đối của vua chúa trong xã hội phong kiến - một điều được mặc nhiên xem là chân lí, được củng cố bởi học thuyết Nho giáo và toàn bộ các thiết chế xã hội được xây dựng trên nền tảng học thuyết này.

6. Điểm khác biệt: 

- Hiền tài là báu vật của quốc gia: thể hiện ý nghĩa người tài cần được nâng niu, coi trọng như báu vật không thể mất.

- Hiền tài là vốn quý của quốc gia: thể hiện ý nghĩa hiền tài cần được trân trọng và biết cách phát huy vốn quý để càng lớn mạnh thêm.

- Hiền tài là nguyên khí của quốc gia: thể hiện một nhận thức có tầm triết học, xem xét vấn đề hiền tài trong mối quan hệ với sự thịnh suy của vận nước có ý nghĩa sự sống còn của quốc gia dựa vào hiền tài.

Bài tập 2. Đọc lại văn bản Yêu và đồng cảm trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 77 – 80) và trả lời các câu hỏi:

1. Nêu cảm nhận chung nhất của bạn về văn bản Yêu và đồng cảm.

2. Trong văn bản, từ “đồng cảm” đã được tác giả giải thích như thế nào và từ góc độ nào? Đâu là khía cạnh được chú ý nhấn mạnh?

3. Văn bản đã giúp bạn hiểu thêm gì về đặc trưng của nghệ thuật (trong đó có văn học)?

4. Trong văn bản, yếu tố tự sự đã được tác giả sử dụng như thế nào và nhằm mục đích gì?

5. Nếu đánh giá khái quát của bạn về hiệu quả thuyết phục của văn bản trên phương diện lập luận.

6. Nêu một số bằng chứng cho thấy tác giả đã rất quan tâm tới việc đảm bảo mạch lạc và liên kết khi viết văn bản này.


1. Văn bản Yêu và đồng cảm là văn bản giàu tình thương khi nhân vật chú bé xuất hiện giúp đỡ nhân vật tôi xếp đồ. Với trái tim đồng cảm với những đồ vật có trong phòng khiến ta nhận ra đó là điều cần thiết trong cuộc sống.

2. Tác giả đã giải thích về từ “đồng cảm” từ góc độ của một người sáng tạo nghệ thuật và là người luôn hướng đến một thế giới đại đồng, bình đẳng: 

- Đồng cảm là khả năng hiểu thấu nỗi niềm của vạn vật và biết cách chia sẻ với chúng.

- Đồng cảm là việc biết đặt mình vào vị trí, trạng thái, tình cảm của đối tượng khi miêu tả, thể hiện đối tượng đó.

- Đồng cảm là điều kiện thiết yếu để con người có thể bước chân vào thế giới của cái Mĩ.

- Đồng cảm là phẩm chất tự nhiên vốn có ở con người nhưng được bộc lộ rõ nhất trong cách giao hoà với vạn vật của trẻ em.

- Đồng cảm là phẩm chất cần được gìn giữ và phát triển để cho cuộc đời ngày càng tốt đẹp.

=> Khía cạnh được tác giả nhấn mạnh: đồng cảm là điều kiện thiết yếu để con người có thể bước chân vào thế giới của cái Mĩ.

3. Văn bản giúp em hiểu hơn về nghệ thuật:

- Nghệ thuật nên xuất phát từ lòng trắc ẩn. Đồng cảm, sự thấu hiểu là điều cần thiết mà người nghệ sĩ khi bắt tay vào văn chương. Nhờ có lòng đồng cảm mà mọi thứ dễ dàng hơn, tình cảm hơn và nhất là thể hiện được ý nghĩa mà người viết muốn bày tỏ.

- Nghệ thuật thường quan sát, tìm hiểu sự vật, hiện tượng từ góc nhìn thẩm mĩ, đưa lại cho người thưởng thức một cách cảm nhận khác về thế giới.

4. Yếu tố tự sự được tác giả sử dụng:

- Đoạn 1: Một đứa bé vào phòng tôi, giúp tôi sắp xếp đồ đạc.

- Đoạn 2: Hôm sau tới trường cấp ba dạy nghệ thuật, tôi cũng giảng cho các em thế này.

Mục đích: tạo sự cởi mở, gần gũi đối với người đọc. Như sự chia sẻ về câu chuyện mà bản thân trải qua, muốn được lan tỏa những điều đẹp đẽ tới mọi người xung quanh. Tác giả đi từ cảm xúc cảm hóa độc giả.

5. Đánh giá: Qua văn bản, có thể thấy, trên phương diện lập luận, người viết vô cùng chỉn chu trong cách thể hiện bài viết. Lí lẽ được người viết đưa ra logic, hợp lí đồng thời có những so sánh nhằm nổi bật lên vấn đề bàn luận.

- Lí lẽ thường được nêu lên sau khi tác giả mời người đọc cùng trải nghiệm những tình huống gần gũi trong cuộc sống. 

- Lí lẽ thường được triển khai qua những so sánh hợp lí nhằm làm nổi bật vấn đề. 

- Tác giả nêu nhiều bằng chứng lấy từ hội hoạ là lĩnh vực ông rất thông thuộc, nhưng đó đều là những bằng chứng có ý nghĩa điển hình, có thể đại diện cho nhiều lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khác.

6. Văn bản mang màu sắc của một bản phiếm đàm về nghệ thuật nhưng có sự kết nối chặt chẽ giữa các ý, câu, đoạn:

- Khi chú bé giúp nhân vật tôi sắp xếp đồ tỏng phòng ở đoạn 1, tác giả đã nhắc lại vấn đề này trong các đoạn 3, đoạn 5, đoạn 6 tạo nên mạch liên kết.

- Từ “đồng cảm”, “thế giới của Mĩ” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong văn bản, có thể xem là từ khóa của toàn văn bản. 

- Khái niệm “thế giới của Mĩ” cũng được dùng nhiều lần, cho thấy tác giả luôn muốn độc giả nhìn ra đặc trưng của nghệ thuật và hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Bài tập 3. Đọc lại văn bản Yêu và đồng cảm trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 77 – 78), đoạn từ “Tôi phục sát đất tấm lòng đồng cảm phong phú” đến “vạn vật có tình cũng như không có tình” và trả lời các câu hỏi:

1. Làm rõ mạch triển khai nội dung đoạn văn bằng một sơ đồ đơn giản.

2. Tác giả đã “sực nhận ra” những vấn đề quan trọng gì qua cuộc tiếp xúc với chú bé?

3. Theo những gì được nói tới trong đoạn văn, bạn hiểu như thế nào về ý nghĩa của sự đồng cảm?

4. Nêu suy đoán của bạn về những điều sẽ được tác giả tiếp tục triển khai sau đoạn văn ở trên. Dựa vào đâu mà bạn có suy đoán như vậy?

5. Chỉ ra các phương tiện liên kết được sử dụng trong đoạn văn.


1. Nội dung đoạn văn dưới dạng sơ đồng đơn giản: 

sơ đồ nội dung

2. Những vấn đề quan trọng:

- Đồ vật cũng có linh hồn, cũng có cảm giác dễ chịu hay không dễ chịu trước các kiểu sắp đặt khác nhau của con người. Việc nhận thức được điều này rất có ý nghĩa trong sáng tác, bố cục tác phẩm hội hoạ, nhất là loại hội hoạ về đề tài tĩnh vật.

- Người nghệ sĩ phải có lòng đồng cảm bao la quảng đại như tấm lòng trời đất.

3. Em hiểu ý nghĩa của sự đồng cảm: Đồng cảm chính là lòng trắc ẩn với thế giới xung quanh không phân biệt người hay vật. Đồng cảm giúp con người sống hoà đồng với thế giới, biết trân trọng tiếng nói riêng hay đời sống của vạn vật. Nhờ có lòng đồng cảm mà chúng ta nhìn cuộc sống được nhiều điều thú vị, đẹp đẽ, càng thêm trân trọng cuộc sống.

4. Ngay khi mới đọc đoạn văn trên, có thể suy đoán được phần nào những điều tác giả sẽ tiếp tục triển khai sau đó:

- Đồng cảm là gì? Đồng cảm có biểu hiện thế nào? 

- Tác phẩm nghệ thuật cần được cấu trúc thế nào, nhấn mạnh vào điều gì để thể hiện được tấm lòng cảm thông với vạn vật?

- Người nghệ sĩ cần có hoặc thể hiện được những phẩm chất gì để chứng tỏ “sứ mệnh” đặc thù của mình trong cuộc sống? 

5. Các phương tiện liên kết đã được sử dụng trong đoạn văn:

- Dùng nhiều lần từ “đồng cảm” trong các câu khác nhau để đảm bảo có một vấn đề đang được tập trung bàn bạc ở đây.

- Các cụm từ “từ đó", “bấy giờ” báo hiệu sự nối tiếp liên tục theo một mạch thống nhất của các câu trong đoạn văn.

- Các đại từ “chúng”, “đó” “những thứ đó” cho thấy các câu văn kế tiếp nhau cùng nói về một đối tượng.

Bài tập 4. Đọc lại văn bản Chữ bầu lên nhà thơ trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 82 – 84) và trả lời các câu hỏi:

1. Nhan đề của văn bản đã gợi cho bạn những suy nghĩ gì?

2. Bạn thích nhất ý kiến nào được nêu trong văn bản? Vì sao?

3. Các luận điểm chính trong văn bản được xây dựng dựa trên cảm hứng đối thoại với những quan điểm và ý kiến khác về thơ, nhà thơ, lao động thơ, chữ trong thơ. Hãy phân tích một ví dụ lấy từ văn bản để làm sáng tỏ điều này.

4. Quan niệm “Chữ bầu lên nhà thơ đã được tác giả triển khai như thế nào ở đoạn cuối phần 2?

5. Văn bản chủ yếu được viết bằng những câu văn ngắn và xuống hàng liên tục. Mặc dù vậy, người đọc vẫn cảm nhận được một mạch văn, mạch ý thông suốt. Theo bạn, điều gì đã khiến văn bản tạo được ấn tượng ấy?


1. Văn bản gợi sự tò mò trong em cụm “chữ bầu lên” là gì bởi nó đưa tới nhiều cách hiểu: 

- Chữ: không chỉ hiểu đơn giản là vỏ âm thanh mà quan trọng đó chính là ngôn ngữ được sử dụng, tổ chức một cách nghệ thuật.

- Chữ bầu lên nhà thơ: là khẳng định vai trò của ngôn ngữ đối với nhà thơ. Ngôn ngữ góp phần: chuyên chở điệu hồn thi nhân; khẳng định tài năng, phong cách của người nghệ sĩ; tôn vinh vị thế nhà thơ.

-  Ngôn ngữ là chất liệu, yếu tố đầu tiên của văn học. Ngôn ngữ thơ là tinh hoa tối cao của ngôn ngữ, là kiến trúc ngôn từ đặc biệt.

2. “Dẫu có theo con đường nào, một nhà thơ cũng phải cúc cung tận tụy đem hết tâm trí dùi mài và lao động chữ, biến ngôn ngữ công cộng thành ngôn ngữ đặc sản độc nhất làm phong phú cho tiếng mẹ như một lão bộc trung thành của ngôn ngữ” là một trong những ý kiến khiến em tâm đắc. Bởi lẽ, người nghệ sĩ khi sáng tác nghệ thuật, luôn cần đến sự sáng tạo. Sự sáng tạo ở đây không chỉ tạo nên sự mới mẻ trong cách hành văn mà đó còn là cách để gây dựng dấu ấn cho độc giả. Làm được điều này không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên, khi đã yêu hết mình với con chữ, phải gắng tạo câu hay ý đẹp ngắn gọn, súc tích làm phong phú con đường văn thơ.

3. Với luận điểm: “Tôi rất biết những câu thơ hay đều kì ngộ, nhưng là kì ngộ kết quả của một thành tâm kiên trì, một đa mang đắm đuối, làm động lòng quỷ thần, chứ không phải may rủi đơn thuần” cần phải nói được các ý:

- Quan niệm “những câu thơ hay đều kì ngộ” xuất hiện từ xưa và được nhiều người tán đồng, nhấn mạnh cách sáng tác trông cậy chủ yếu vào yếu tố ngẫu hứng, bột phát, đôi khi may mắn và nhà thơ lúc này như nhận được sự trợ giúp của thần linh. 

- Đó là linh hồn của tác phẩm, làm nên điều diệu kì hay trôi vào dĩ vãng phụ thuộc ở yếu tố này. Không thể ngồi chờ đợi sự may đến với mình mà hãy tự mình tạo cho mình cơ hội để làm nên điều tuyệt vời trên hành trình làm nghệ thuật.

- Tác giả không bác bỏ yếu tố “kì ngộ” (cuộc gặp gỡ lạ lùng gây cảm xúc hân hoan) nhưng ông cho rằng không nên nghĩ một cách hời hợt về những cái thường được nói tới khi tán đồng quan niệm này như “thần hứng; “thần trợ” Từ kinh nghiệm của bản thân và kinh nghiệm của nhiều nhà thơ khác mà tác giả quan sát được, ông cho rằng cuộc “kì ngộ” ấy chỉ đến một cách có điều kiện, khi nhà thơ đã trải qua nhiều trăn trở, vật vã, tìm cách làm nổi bật được điều thường xuyên ám ảnh mình. Như vậy, không thể sáng tác thơ theo kiểu cầu may, chỉ ngồi chờ thành quả mà không phải “kiên trì, “đa mang “đắm đuối” gì cả.

4. 

- Dẫn ý kiến của các nhà thơ, nhà văn lớn trên thế giới (Ét-mông Gia-bét – Edmond Jabès, Gít-đơ – Gide, Pét-xoa – Pessoa). 

=>  Xem như đó là sự hậu thuẫn tích cực cho cách lí giải vấn đề của mình.

- Diễn giải ý kiến của Ét-mông Gia-bét, đồng thời phát triển thêm cái mới. Đó chính là sáng tạo con chữ. Rõ ràng, “nhà thơ” không phải là danh vị được tạo một lần cho mãi mãi. Nó có thể bị tước đoạt nếu nhà thơ không chịu khổ công lao động với ngôn từ mỗi khi viết một bài thơ mới.

5. Theo em, điều làm nên sự ấn tượng này chính là người viết đã cho độc giả thấy được làm nghệ thuật là cả một quá trình dài. Thông tin trong văn bản đem đến nhiều, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, câu chữ trong bài được triển khai, lập luận một cách mạch lạc, logic. 

Bài tập 5. Đọc lại văn bản Chữ bầu lên nhà thơ trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 83), đoạn từ“Tôi rất ghét cái định kiến quái gở” đến “đổi bát mồi hôi lấy từng hạt chữ" và trả lời các câu hỏi:

1. Đoạn trích cho biết quan điểm của tác giả về vấn đề gì?

2. Xác định luận điểm chính của đoạn trích và chỉ ra nét độc đáo trong cách nếu luận điểm của tác giả.

3. Theo bạn, vì sao tác giả ghét cái định kiến cho rằng “các nhà thơ Việt Nam thường chín sớm nên cũng tàn lụi sớm”?

4. Nếu dự đoán về những lí lẽ mà người đọc có thể đưa ra để phản bác ý kiến của tác giả. Về phần mình, bạn muốn đối thoại với tác giả ở điểm nào? 5. Phân tích nghệ thuật ẩn dụ được sử dụng trong câu cuối của đoạn trích.

5. Phân tích nghệ thuật ẩn dụ được sử dụng trong câu cuối đoạn trích. 


1. Đoạn trích thể hiện quan điểm của tác giả về sự công phu, nhọc nhằn của hoạt động sáng tạo thơ (hay lao động thơ).

2. Luận điểm chính: bày tỏ sự đồng cảm trước những nhà thơ lầm lũi trên cánh đồng giấy, đổi bát mồ hôi lấy từng hạt chữ.

Nét độc đáo: Người viết gây chú ý bằng việc bày tỏ thái độ không đồng tình với định kiến sau đó giải thích lí do rồi cuối cùng nêu lên luận điểm chính mà bản thân bàn tới.

3. Vì định kiến này là định kiến thiển cận, không khách quan. Định kiến này có thể ru ngủ nhà thơ, khiến họ cam chịu trước điều vẫn được cho là “định mệnh”, không muốn vượt lên với nỗ lực cao nhất. Chính điều này khiến nhà thơ mất niềm tin, cho rằng mình chỉ tồn tại trong một thời gian nhất định.

4. Ý kiến đã nêu của tác giả đi ngược với quan niệm của nhiều người, cũng là đi ngược với một nhận thức phổ biến lâu nay, nhất là khi thơ lãng mạn đang tạo ảnh hưởng lan rộng trong đời sống văn học. Không thể phủ nhận hoàn toàn điều này vì có rất nhiều nhà văn, nhà thơ tồn tại chỉ trong 1 thời gian ngắn, phát triển đỉnh cao rồi lụi tàn. Sự cố gắng tạo nên con chữ trên từng trang giấy không phải lúc nào cũng đạt được thành công. Hiển nhiên, những người không đồng tình với tác giả có thể đưa ra một số lí lẽ phản bác. 

5. “Tôi ưa những nhà thơ một nắng hai sương, lầm lũi, lực điền trên cánh đồng giấy, đổi bát mồ hôi lấy từng hạt chữ” - ở đây, tác giả đã dùng biện pháp ẩn dụ để biểu đạt luận điểm của mình: một nắng hai sương, lực điền, cánh đồng giấy, hạt chữ. Tác giả sử dụng phép ẩn dụ để diễn đạt sự nhọc nhằn sáng tạo con chữ của người sáng tạo thơ. Dù làm ở bất kì hoạt động nào cũng cần đến sự chỉn chu, tỉ mỉ. Nghệ thuật cũng vậy. Người viết phát hiện ra điểm tương đồng giữa lao động thơ và lao động trên đồng ruộng để thấy được nghề nào cũng vất vả như nhau.

Bài tập 6. Đọc lại văn bản Thế giới mạng & tôi trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 95 – 96) và trả lời các câu hỏi:

1. Xác định ý tưởng chính mà tác giả muốn trình bày qua văn bản.

2. Dựa vào nội dung của văn bản, hãy thử trả lời câu hỏi: Thế giới mạng là gì?

3. Bạn có thể nói gì về đối tượng “tôi” được đề cập trong văn bản? Hãy chỉ ra những điểm khiến bạn nhận thấy giữa bạn và đối tượng “tôi” có sự gặp gỡ, tương đồng.

4. Theo bạn, điều gì đã làm nên nét riêng của cách nghị luận ở văn bản này?

5. Bạn nhận ra những đặc điểm quen thuộc gì của loại văn bản ta vẫn thường gặp trên mạng xã hội? (Lưu ý: Khi nêu đặc điểm, cần đưa ra các bằng chứng cụ thể).


1. Thế giới mạng đưa lại cho người tham gia một cuộc sống phong phú, đa dạng nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách để họ nhìn ra giá trị thật của chính mình và của người khác.

2. Thế giới mạng là sự kết nối của tất cả mọi người trên toàn cầu. Đó có thể là giữa những người thân quen hoặc là những kẻ xa lạ với nhau. Thế giới mạng là nơi mọi người giao lưu, khoảng cách được đẩy lùi. Chúng ta được nói, được xem, được bình phẩm những vấn đề được đăng tải. Một môi trường vừa có lợi nhưng cũng rất có hại nếu chúng ta không biết cách sử dụng.

Thế giới mạng có khả năng mê hoặc rất lớn nhưng đồng thời cũng là sức mạnh có thể huỷ diệt một cá nhân trong chốc lát; có khi nó làm vơi bớt những nỗi cô đơn nhưng ngược lại cũng có thể làm nỗi cô đơn thêm nhiều. 

3. Đối tượng “tôi” có thể là tác giả, cũng có thể là người nào đó của thế giới mạng. Những điều có thể nói về “tôi”:

- “Tôi” là người đã nếm trải nhiều cung bậc cuộc sống mà thế giới mạng đưa lại. 

- “Tôi” có sự chủ động, tự tin khi đối diện với mọi điều phức tạp, xô bồ của thế giới mạng.

- “Tôi” tham gia vào thế giới mạng để có cơ hội hiểu thêm chính mình cũng như cuộc đời nói chung.

4. Những nét riêng đó là: 

- Dùng đại từ “ta” (một lần) và “bạn” (thường xuyên) để tạo sự gần gũi trong giao tiếp giữa người viết và người đọc. Với hai đại từ này, tác giả đã hoà lẫn với người đọc với "tôi", trong “tôi” có “bạn” trong “bạn” có “tôi”. Người đọc cảm thấy mỗi lời nói đều hướng về mình, nói “câu chuyện” của chính mình, do vậy, dễ có được sự đồng cảm với chính tác giả trên vấn đề đang được bàn bạc.

-  Giọng văn dí dỏm, hài hước đã được sử dụng rất hợp lí, có tác dụng tạo nên không khí dân chủ cho cuộc đối thoại ngầm ẩn được triển khai trong văn bản.

5. 

- Văn bản sử dụng nhiều kí tự, từ ngữ thường thấy của loại văn bản trên mạng xã hội. Về kí hiệu, gạch chéo (/) được dùng để chỉ tương quan đồng đẳng giữa các đối tượng được liệt kê và mỗi đối tượng này có thể ứng với một trường hợp nào đó tuỳ người đọc lựa chọn khi liên hệ với bản thân mình. Về từ ngữ, có sự xuất hiện của nhiều tiếng lóng: “nhà”, “sến như con hến”,... Bên cạnh đó là những từ trong tiếng Anh (được để nguyên dạng) chỉ các đối tượng hay hoạt động gắn liền với internet: “status” “comment”, “note”, “entry”.

- Trình bày tự nhiên, tạo sự gần gũi, gây cảm giác người viết đang chuyện trò trực tiếp với người đọc. 

Bài tập 7. Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Tác phẩm văn học và đọc văn học thật là một hiện tượng diệu kì. Theo các nhà khoa học quan sát, khi chưa đọc, văn bản in chỉ là một vật, một khách thể, nhưng khi đã đọc thì dần dần khách thể đó biến mất, sách vẫn còn đó nhưng đồng thời lại “biến mất” để nhường chỗ cho thế giới hình tượng, sách từ bên ngoài chuyển vào trong nội tâm người đọc, người đọc hoá thân vào nhân vật trong sách. Tại sao khi đọc sách ta bỗng toàn tâm toàn ý suy nghĩ vào những điều chưa bao giờ nghĩ tới? Hoá ra ta suy nghĩ bằng những ngôn từ, hình tượng của nhà văn, còn nhà văn thì phát biểu bằng tâm hồn, trí tuệ của ta! Cho nên tuy biết rõ tác phẩm là của nhà văn mà ta vẫn thấy có toàn quyền giải thích, hứng thú giải thích và khi nói là ta giải thích, ta ấy đâu phải là chính tại Nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta, còn ta thì chiếm tác phẩm của họ! Cho nên tác phẩm văn học là một sản phẩm lạ lùng, nó gần như xoá bỏ ranh giới giữa ta và tác giả. Người đọc không phải “đệm”, mà đã “chơi” tác phẩm trên bản nhạc của nhà văn, do vậy tuỳ theo người “chơi” mà tác phẩm có sự khác nhau.

(Trần Đình Sử, Đọc văn học văn, NXB Giáo dục, 2001, tr. 6 – 7)

1. Xác định câu chủ đề của đoạn trích. Vì sao bạn xác định như vậy?

2. Theo những gì được tác giả dẫn giải, sự “diệu kì” của tác phẩm văn học và hoạt động đọc văn học thể hiện ở những điểm nào?

3. Dựa vào những trải nghiệm của mình khi đọc văn học, hãy bày tỏ ý kiến về nhận định sau: “Nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta, còn ta thì chiếm tác phẩm của họ!”.

4. Hãy viết thêm từ 1 – 2 câu triển khai ý “tuỳ theo người “chơi” mà tác phẩm có sự khác nhau" được nêu ở cuối đoạn trích.

5. Lập luận của tác giả đoạn trích có thể giúp bạn hiểu thêm gì về các thuật ngữ văn bản và tác phẩm?

6. Theo bạn, vì sao những từ, cụm từ như "biến mất", “đệm”, “chơi” lại được tác giả đặt trong ngoặc kép?

7. Phân tích quyền hạn và chức năng của người đọc trong mối quan hệ với tác phẩm văn học.


1. Câu chủ đề: Tác phẩm văn học và đọc văn học thật là một hiện tượng diệu kì.

Lí do: Đoạn trích nói về khái niệm tác phẩm văn học và đọc văn học, đồng thời được tác giả nêu ra những lí lẽ, bằng chứng để làm sáng tỏ điều này.

2.  Sự “diệu kì” của tác phẩm văn học được thể hiện ở các điểm:

- Tác phẩm văn học không phải là một vật thể bất động (khi bất động, đó chỉ là văn bản - cơ sở tồn tại ban đầu của tác phẩm), mà có sự vận động và biến hoá qua sự đọc, qua từng trường hợp đọc.

- Tác phẩm văn học chứa đựng hình tượng và hình tượng ấy được chuyển hoá vào tâm trí người đọc để biến thành xúc cảm, nhận thức và gây ra những hành động tương ứng với xúc cảm, nhận thức ấy.

Sự diệu kì của hoạt động đọc văn học:

– Làm sống dậy và cụ thể hoá thế giới hình tượng tồn tại tiềm tàng trong tác phẩm, chuyển hoá nó thành “câu chuyện” của chính bản thân người đọc, buộc người đọc phải “toàn tâm toàn ý" suy nghĩ về nó, cũng có nghĩa là bận lòng, bận trí về “những điều chưa bao giờ nghĩ tới" trước khi đọc văn học.

– Xoá bỏ ranh giới giữa độc giả và nhà văn; độc giả thì “suy nghĩ bằng những ngôn từ, hình tượng của nhà văn”, còn nhà văn thì phát biểu quan niệm, cảm nhận của mình nhờ những hoạt động tích cực của tâm hồn, trí tuệ độc giả.

– Đọc văn học cho phép độc giả có những cách cụ thể hoá khác nhau, diễn giải khác nhau về hình tượng trong tác phẩm. Tất cả những điều này làm cho thế giới hình tượng trở nên có tính chất mở, phát triển phong phú thêm lên qua từng trường hợp đọc.

3. Khi đọc một bài văn hay, điều ta ấn tượng là sự sáng tạo của người làm nên tác phẩm còn nhà văn khi sáng tạo nên tác phẩm văn học muốn đứa con tinh thần của mình được công chúng rộng rãi biết đến thì cần đến độc giả như chúng ta. Chính bởi lẽ đó mà có nhận định “Nhà văn chiếm chỗ trong tâm trí ta còn ta thì chiếm tác phẩm của họ”.

4. Tuỳ theo người “chơi” mà tác phẩm có sự khác nhau. Hiểu như vậy, người đọc có vai trò rất lớn. Đọc văn không bao giờ giản đơn chỉ là đọc văn bản, mà còn bao hàm sự ý thức cả cái cách mà mình hiểu tác phẩm nào đó, là tìm ra cái tác phẩm “của mình”.

5. Văn bản và tác phẩm là hai khái niệm thống nhất nhưng không đồng nhất. Văn bản là cơ sở tồn tại của tác phẩm còn tác phẩm là văn bản trong sự tiếp nhận của người đọc. Tác phẩm là văn bản trong sự tiếp nhận của độc giả, có đời sống, sinh mệnh riêng trong thời gian và không gian, ngày càng được bồi đắp thêm những giá trị mới.

6. Vì đó là những từ, cụm từ không được hiểu theo nghĩa gốc mà chúng cần được hiểu theo nghĩa ẩn dụ. 

7. Trong mối quan hệ với tác phẩm văn học, người đọc có quyền được bình phẩm thích hay không thích bởi đó là cảm xúc cá nhân. Tác phẩm văn học không thể chỉ mang một dòng cảm xúc giống nhau mà đó là sự đan xen của nhiều cảm xúc của nhiều người đọc. Đồng thời, họ có quyền được góp ý để phát triển.

Ngoài hướng dẫn giải vở bài tập lớp 10 tập 1, tập 2 sách Kết Nối Tri Thức chúng tôi cũng cung cấp phiếu bài tập cuối tuần theo sát chương trình mới giúp các em ôn tập kiến thức hiệu quả. Cùng với đó là bộ đề thi giữa kì, cuối kì, cuối năm học giúp các em làm quen với các dạng bài, câu hỏi trong kì thi nhanh chóng và giành được điểm số cao đúng với mong muốn.

Nếu thấy nội dung giải VBT lớp 10 Kết Nối Tri Thức của chúng tôi hữu ích, các em học sinh - phụ huynh đừng quên theo dõi website Giaibaitapsgk để cập nhật thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp giáo án lớp 10 sách Kết Nối Tri Thức theo chương trình mới để các bậc phụ huynh tham khảo và ứng dụng vào việc dạy học tại nhà.