Giải SBT Ngữ văn 10 kết nối bài 1: Sức hấp dẫn của truyện kể (Đọc và thực hành tiếng việt)
Giaibaitapsgk cung cấp lời giải BT 10 Kết Nối Tri Thức giúp các em rút ngắn thời gian tóm tắt nội dung bài học, đánh dấu kiến thức trọng tâm. Dựa vào đó có thể nhanh chóng hoàn thành bài tập về nhà cũng như câu hỏi trong sách BT 10 Kết Nối Tri Thức. Việc thiết kế nội dung lời giải vở bài tập lớp 10Kết Nối Tri Thức theo từng bài, từng trang giúp các em nhanh chóng tra cứu đáp án.
Hướng dẫn giải bài 1: Sức hấp dẫn của truyện kể (Đọc và thực hành tiếng việt ) SBT ngữ văn 10 tập 1. Đây là sách bài tập nằm trong bộ sách "Kết nối tri thức" được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết học sinh sẽ nắm bài học tốt hơn.
Đọc và Thực hành tiếng Việt
Bài tập 1. Đọc lại văn bản Thần Trụ Trời trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 11 – 12) và trả lời các câu hỏi:
1. Xác định thời gian, không gian và các sự kiện chính được kể trong truyện Thần Trụ Trời.
2. Vũ trụ thuở sơ khai được hình dung như thế nào trong truyện thần Trụ Trời?
3. Vì sao thần Trụ Trời lại được miêu tả với hình dạng khổng lồ, kì vĩ?
4. Nếu nhận xét về cách miêu tả công việc kiến tạo vũ trụ của thần Trụ Trời.
5. Phân tích hình ảnh vũ trụ sau khi được kiến tạo để thấy nhận thức của người xưa về thế giới.
6. Tìm những lời kể mang tính suy nguyên và phân tích chức năng cụ thể của chúng trong truyện Thần Trụ Trời.
Trả lời:
1. Thời gian, không gian và các sự kiện chính được kể trong truyện Thần Trụ Trời theo bảng:
Thời gian | Thuở chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người. | ||
Không gian | Trời đất hỗn độn, tối tăm, lạnh lẽo | ||
Nhân vật | Ông thần thân thể to lớn hay Thần Trụ Trời | ||
Sự kiện chính | Ông thần đứng dậy dùng đầu đội trời, đào đất, đá đắp thành cột cao, to để trống trời. Thần ném vung đá và đất đi khắp nơi. Mỗi hòn đá văng ra tạo thành một hòn núi hay một hòn đảo. Đất tung tóe mọi nơi tạo thành cồn đồi, cao nguyên. |
2. Vũ trụ thuở sơ khai trong truyện Thần Trụ Trời được hình dung là một vũ trụ hỗn độn, tối tăm, trời đất chưa tách rời nhau thể hiện qua các chi tiết:
- “Thuở ấy chưa có vũ trụ, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một đám hỗn độn tối tăm và lạnh lẽo”.
- “Thần ở trong đám mờ mịt hỗn độn đó không biết đã từ bao lâu” ...
=> Đây là cách hình dung về thuở sơ khai rất phổ biến trong thần thoại suy nguyên của nhiều dân tộc ở Việt Nam và trên thế giới.
3. Thần Trụ Trời được miêu tả với hình dạng khổng lồ, kì vĩ là vì:
- Thần Trụ Trời có chức năng kiến tạo vũ trụ bao la, kì vĩ nên thần cũng có hình dạng khổng lồ, kì vĩ như vậy.
- Đồng thời, trong thần thoại suy nguyên, hình dạng của nhân vật thần thường có mối liên hệ chặt chẽ với hiện tượng tự nhiên được hình tượng hoá để lí giải cho nhận thức về các hiện tượng tự nhiên hoặc những tập tục, thói quen, hành vi của cộng đồng.
4. Công việc kiến tạo vũ trụ của Thần Trụ Trời được tác giả mô tả một cách gần gũi, tựa như công việc lao động của con người. Dù tách biệt trời và đất làm hai đòi hỏi nhiều sức lực nhưng Thần vẫn cần mẫn làm việc để giúp trời đất thoát khỏi vùng hỗn độn, tối tăm.
5. Hình ảnh vũ trụ sau khi được kiến tạo: “Từ đó trời đất phân ra làm hai. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời ở trên như cái bát úp, chỗ giáp giới giữa trời và đất gọi là chân trời”; “mặt đất chỗ cao, chỗ thấp không được bằng phẳng”;...
=> Đây là hình ảnh thể hiện sự nhận thức hồn nhiên, mộc mạc, thô sơ, gần gũi của con người thuở bấy giờ (gốm hai tầng trời và đất); về đặc điểm của thế giới (hình dạng của bầu trời và mặt đất); về quá trình hình thành các sự vật, hiện tượng tự nhiên.
6. Những lời kể mang tính suy nguyên trong truyện thần Trụ Trời mang chức năng giải thích cho sự hình thành của vũ trụ trong quan niệm con người thời xưa:
- “Từ đó trời đất phân ra làm hai. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời ở trên như cái bát úp, chỗ giáp giới giữa trời và đất gọi là chân trời”; “Vì thế mà bây giờ mặt đất chỗ cao, chỗ thấp không được bằng phẳng”: ở đây, tác giả đã giải thích cho chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc, sự ra đời của đất và trời.
- Lời bài vè “Nhất ông đếm cát/ Nhì ông tát bể (biển)…”: ở đây, tác giả giới thiệu cho chúng ta biết về sự hình thành của các sự vật trong vũ trụ.
Bài tập 2. Đọc lại văn bản Thần Sét trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 12 – 13) và trả lời các câu hỏi:
1. Chỉ ra các chi tiết miêu tả hình dạng, tính khí và hành động của thần Sét.
2. Thần Sét đã mắc phải sai lầm gì và bị Ngọc Hoàng trừng phạt như thế nào?
3. Phân tích mối liên hệ giữa hình tượng thần Sét với các hiện tượng trong tự nhiên?
4. Thần thoại phản ánh thế giới quan “vạn vật hữu linh” của người xưa. Thế giới quan ấy được thể hiện như thế nào trong truyện Thần Sét?
5. Phân tích những chi tiết thể hiện chức năng suy nguyên của truyện Thần Sét.
1. Các chi tiết miêu tả hình dạng, tính khí và hành động của thần Sét:
- Thần Sét là một vị thần hung dữ, mặt mũi nanh ác, quát tháo dữ dội, mình mẩy đen thui chỉ vận một cái khố, lưng đeo trống, tay cầm một lưỡi búa đá.
- Mỗi lần xử án, thần Sét thường đánh trống đeo bên mình làm thành tiếng sấm rồi thần tự trên trời nhảy xuống tận nơi, trỏ ngọn cờ vào đầu tội nhân, bổ ngay búa vào đầu.
- Tính tình thần Sét cực kì nóng nẩy, hễ được lệnh Trời sai là đi ngay, thấy là đánh liền cho nên có lúc đánh lầm làm cho người vật chết oan.
2. Thần Sét đã mắc sai lầm: đánh nhầm làm người vật chết oan nên đã bị Ngọc Hoàng bắt nằm yên không được cựa quậy ở một góc rừng trên trời. Con gà thần của Trời thỉnh thoảng lại đến mổ một cái đau điếng mà thần Sét đành phải nằm im.
3. Trong thần thoại suy nguyên, mỗi nhân vật thần có mối liên hệ mật thiết với một hiện tượng tự nhiên và thực chất họ là các hiện tượng tự nhiên được hình tượng hoá. Các nhân vật thần thoại được người viết hiện thực hóa dựa trên các hiện tượng tự nhiên diễn ra trong cuộc sống. Mối liên hệ giữa thần Sét với các hiện tượng trong tự nhiên:
- Dân gian đã sáng tạo thần với tính khí nóng nảy, gương mặt hung dữ, tương ứng với hiện tượng sét: bùng nổ bất ngờ, gây âm thanh vang động, dữ dội, có thể đánh chết hoặc thiêu cháy các sinh vật trên mặt đất,...
- Công việc được Ngọc Hoàng giao là nhiệm vụ trừng trị kẻ có tội bằng cách đánh vào đầu và không làm việc vào mùa đông. Điều này lí giải cho hiện tượng sét đánh vào đầu người, ngọn cây; mùa đông thường không có sấm sét...
4. Thế giới quan "Vạn vật hữu linh" được thể hiện trong truyện Thần Sét ở việc mô tả thần hệt như loài người cũng có ngoại hình, tính cách và công việc thực thi. Người xưa quan niệm mọi vật trong vũ trụ đều có linh hồn, có mối liên hệ mật thiết và bình đẳng, con người cũng là một phần ở trong thế giới “vạn vật hữu linh” ấy.
5. Chi tiết thể hiện chức năng suy nguyên của truyện Thần Sét:
- “Thần chuyên một việc thi hành luật pháp ở trần gian”. “Thần có một lưỡi búa đá”; “thần tự mình nhảy xuống tận nơi [...] dùng lưỡi búa bổ xuống đầu. Có khi xong việc, thần không mang lưỡi búa lên theo mà quẳng luôn tại đó. Thần thường ngủ về mùa đông, vào khoảng tháng Hai, tháng Ba mới lại dậy làm việc.”; ...
=> Thể hiện chức năng giải thích nguồn gốc, đặc điểm của hiện tượng tự nhiên.
- “Tính thần Sét rất nóng nảy [...] nên cũng có lúc làm cho người, vật chết oan. Vì thế mà thần Sét đã có lúc bị Ngọc Hoàng phạt [...]. Con gà thần của Ngọc Hoàng được lệnh thỉnh thoảng lại mổ một cái làm cho thần đau nhói cả người [...] Khi được Ngọc Hoàng tha, thần có thói quen là hễ thấy hoặc nghe tiếng gà là giật mình. Mỗi lần có chớp rạch, biết thần Sét sắp xuống, người hạ giới thường bắt chước tiếng gọi gà để doạ thần có lẽ cũng vì cớ đó.”
=> Thể hiện chức năng giải thích hành vi, tập tục của cộng đồng.
Bài tập 3. Đọc lại văn bản Thần Gió trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr.13) và trả lời các câu hỏi:
1. Hình dạng của thần Gió có gì đặc biệt? Vì sao thần lại có hình dạng đặc biệt như vậy?
2. Nhân vật con trai của thần Gió được tạo nên nhằm mục đích gì?
3. Chuyện gì đã xảy ra giữa con người và các vị thần (thần Gió, Ngọc Hoàng)?
4. Câu chuyện về các nhân vật thần trong truyện Thần Gió thể hiện cách hình dung như thế nào của con người thời cổ đại về thế giới tự nhiên?
5. Truyện Thần Gió thể hiện những chức năng nào của thần thoại suy nguyên?
1. Hình dạng của thần Gió đặc biệt ở chỗ: kì quặc, không có đầu. Thần Gió có hình dạng đặc biệt như vậy là bởi thực tế, gió hay những cơn lốc xoáy không có hình thù nhất định. Điều này phù hợp với quan niệm của người xưa khi hình dung về các sự vật, hiện tượng tự nhiên.
2. Nhân vật con trai của thần Gió được tạo nên nhằm mục đích:
- Lí giải hiện tượng tự nhiên: tính chất bất trắc, khó lường của gió có thể gây tổn hại cho cuộc sống con người.
- Lí giải hành vi, tập tục; của cộng đồng hay nguồn gốc tên gọi của một loài cây có khả năng báo hiệu sự thay đổi thời tiết (“Mỗi lần cây ngải gió cuốn bông cuốn lá lại, người hạ giới biết là trời sắp nổi gió, nổi mưa”) và kinh nghiệm sử dụng nó vào việc chữa bệnh cho trâu (“Lại mỗi lần trâu bị cảm gió, người ta thường lấy lá cây ngải để chữa, vì cho rằng nó có kinh nghiệm về bệnh của trâu trong thời gian giữ trâu cho người mất gạo”).
3. Đứa con trai nghịch ngợm của thần Gió đã làm đổ bát gạo của con người. Con người kiện thần Gió, Ngọc Hoàng đã phân xử bằng cách đày con thần Gió xuống trần, bắt đi chăn trâu cho người mất gạo, sau đó bắt hóa làm cây ngải cứu để báo tin gió cho thiên hạ,…
4. Câu chuyện về các nhân vật thần đã thể hiện nhận thức, quan niệm của người thời cổ đại về thế giới tự nhiên. Đó là quan niệm về một thế giới vạn vật đều có linh hồn. Con người thời cổ đại về thế giới tự nhiên rất đỗi tự nhiên, không phức tạp. Dựa trên các nhân vật thần, có thể nhận thấy, thần cũng có tính cách hệt con người và khi làm việc gì sai trái, tương tự như loài người, thần cũng phải hứng chịu hình phạt thích đáng.
5. Truyện Thần Gió thể hiện chức năng của thần thoại suy nguyên:
- Lí giải hiện tượng tự nhiên: tính chất bất trắc, khó lường của gió có thể gây tổn hại cho cuộc sống con người.
- Lí giải nguồn gốc, đặc điểm của hiện tượng tự nhiên dựa trên những điều mà nhân gian trông thấy, phát huy trí tưởng tượng của mình xây dựng nên nhân vật thần.
- Đồng thời, nêu lên cách nhận biết hiện tượng tự nhiên để con người có thể phòng ngừa trước những hiểm họa.
Bài tập 4. Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Ông Sằn Nông
Ông Sằn Nông thường đi trong các rừng núi, gặp nhiều thứ quả, thứ hạt. Ông có phép mời được các loại hạt, đặc biệt là hạt thóc về nhà mình ở. Mùa xuân các hạt tự ra đồng mọc, cuối vụ lại trở về kho, về bồ. Năm ấy, Sẵn Nông đi xa không về kịp mùa lúa. Thóc ngô ngoài đồng đã chín, rủ nhau kéo về nhà. Bà vợ Sản Nông đang gội đầu, chưa mở được kho, sắp được bồ. Bà bảo thóc hãy đợi ngoài cửa. Thóc đợi mãi, là bà chỉ lo chải vuốt mái tóc của mình. Thóc giục giã ầm lên, vì trời nắng to, chúng chen chúc mãi ngoài cửa bị nóng bức quá. Chúng chen nhau rồi đánh nhau túi bụi đất cát tung mù lên. Gió thổi làm bụi bậm và một số hạt thóc bám lên đầu lên cổ bà. Bà tức quá, vác gậy đánh chúng, vừa đánh vừa chửi. Thóc kéo nhau ra ruộng, thể từ nay không bò về nữa.
Sản Nông trở về không biết làm thế nào. Ông mắng vợ rồi bỏ đi, ra ruộng dỗ dành, nhưng thóc không chịu. Buồn rầu, ông nắm lấy một nắm thóc bay thẳng lên trời. Nắm thóc ấy tung ra, rải rác thành các ngôi sao, còn chỗ tụ lại thì thành sông Ngân Hà bây giờ. Còn dưới trần gian từ đó, khi lúa chín, con người phải mang hải liềm ra gặt.
(Theo Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, tập 1, NXB Giáo dục, 2007, tr. 103)
1. Nêu các sự kiện chính của truyện Ông Sằn Nông.
2. Chỉ ra những lời kể mang tính suy nguyên trong văn bản.
3. Nhân vật chính trong truyện kể trên là ai? Nhân vật ấy được sáng tạo nhằm mục đích gì?
4. Trong tưởng tượng của con người thời xưa, các loại hạt được dùng làm lương thực thuở sơ khai có những đặc điểm gì? Sự tưởng tượng về các loại hạt đó thể hiện quan niệm gì của họ về thế giới?
5. Sự biến đổi trong đặc tính của thóc phản ánh những thay đổi nào trong cuộc sống của con người cổ sơ?
6. Sưu tầm một truyện thần thoại suy nguyên của dân tộc khác có nội dung tương tự với truyện Ông Sản Nông. So sánh và nhận xét về điểm tương đồng giữa hai tác phẩm.
1. Các sự kiện chính là:
- Ông Sằn Nông có phép mời được các loại hát, đặc biệt là hạt thóc về nhà mình ở.
- Khi đến mùa, thóc kéo nhau về nhà nhưng vợ Sằn Nông lại mải chải chuốt mái tóc mà không mở cửa kho khiến thóc chen rồi đánh nhau túi bụi. Vì vài hạt thóc bám lên đầu bà nên vợ Sằn Nông vác gậy vừa đánh vừa chửi khiến thóc giận kéo nhau ra ruộng.
- Ông Sằn Nông biết chuyện bèn ra ruộng dỗ dành nhưng không thành. Quá buồn, ông nắm thóc bay lên trời hóa thành những ngôi sao.
2. Những lời kể mang tính suy nguyên: giải thích cho việc con người khi đến mùa lúa chín phải ra ruộng gặt lúa.
- Sự hình thành các ngôi sao và sông ngân hà.
- Tập tục khi lúa chín, con người phải mang hái liềm ra gặt.
3. Nhân vật chính trong truyện kể trên là ông Sằn Nông nhằm giải thích hiện tượng tự nhiên (sao và sông ngân hà), và tập tục gặt lúa chín mang về nhà.
4. Trong tưởng tượng của con người thời xưa, các loại hạt được dùng làm lương thực thuở sơ khai có những đặc điểm: tự sinh trưởng, đến mùa thì chúng tự tìm về nhà, vào trong kho của nhà dân. Hơn hết, chúng cũng có cảm giác, cảm xúc và có thể “giao tiếp” với con người,... Sự tưởng tượng ấy thể hiện quan niệm của con người cổ sơ về thế giới “vạn vật hữu linh”...
5. Sự biến đổi trong đặc tính của thóc phản ánh những thay đổi: Con người đã biết tìm kiếm, mày mò, sáng tạo cái ăn, không còn phụ thuộc vào tự nhiên.
6. Truyện Thần Lúa của dân tộc Tày:
Ngày xưa có một người đàn bà nghèo, tuổi cao rồi mới sinh được một cậu con trai. Bà đặt tên con là Pọ Khâu (có nghĩa là Bố Lúa), ý mong mỏi con sẽ không phải ăn trái cây, lá rừng quanh năm suốt tháng như mình.
Pọ Khâu lớn lên rất khỏe. Sức vật ngã cả trâu đực.
Pọ Khâu rất yêu thương mẹ. Mẹ ốm nặng, Pọ Khâu lo lắm. Ai mách thuốc gì, ở đâu, dù phải leo đèo, lội suối, Pọ Khâu cũng đi. Nhưng không thuốc nào chữa khỏi. Thật ra, bà mẹ đói, thèm bát cơm.
Một hôm trên đường đi tìm lá thuốc cho mẹ, Pọ Khâu nằm nghỉ bên suối. Một con chim cu đất bay qua gáy:
Muốn mẹ khỏi đau
Lấy lúa cho mau
Về ăn thì khỏi.
Pọ Khâu giật mình, vùng dậy hỏi:
– Ở đâu có lúa, hỡi cu đất?
Chim cu lại gáy:
Yêu tinh mặt đỏ
Tích lúa đầy hang.
– Nó ở đâu? Pọ Khâu hỏi.
Cu đất hất mỏ chỉ ngọn núi cao rồi cất cánh bay đi. Bay được một quãng, cu đất quay lại, khẽ dặn:
Muốn giết yêu tinh
Phải rình lúc ngủ.
Pọ Khâu về nhà rèn một ngọn lao vừa dài, vừa nhọn, đi tìm yêu tinh. Anh đi hết chín châu, mười mường mới đến được ngọn núi cao, thấy vết chân nó chi chít trên sườn núi.
Anh theo vết chân, đến một cái hang rộng. May quá! Nó đang ngủ. Mặt nó đỏ như củ nâu chín, râu nó dài như rễ cây si. Nó ngáy to như sấm, thở phì phà phì phò làm cho cây cối nghiêng như có gió mạnh thổi. Người nó to bằng mười con voi.
Con yêu tinh vẫn ngáy như sấm, thở phì phà phì phò. Nó há miệng. Pọ Khâu nhanh như sóc, bám vào râu nhảy phắt lên cổ nó, phóng luôn mũi lao vào cuống họng yêu tinh. Nó kêu rống lên đau đớn rồi khạc khạc… Mũi lao phóng mạnh quá, cắm ngập vào cổ họng nó rồi. Nó giẫy giụa, máu chảy ào ra như suối.
Pọ Khâu bị nó hất một cái bay ra cửa hang. Anh ngất đi. Một lúc sau, tỉnh lại, anh vào hang thấy yêu tinh mặt đỏ đã nằm chết cứng.
Đúng như cu đất nói, thóc lúa chất đầy cả hang. Pọ Khâu xúc một gùi thóc mang về rồi gọi dân bản lên cùng lấy.
Pọ Khâu xay lúa, giã thành gạo, nấu cơm, làm bánh cho mẹ ăn. Quả nhiên, mẹ được ăn cơm, ăn bánh, bệnh giảm dần rồi khỏi hẳn. Cũng từ đó dân bản có thóc ăn, không ai phải ăn trái cây, lá rừng như trước nữa. Mọi người ra sức phát nương, trồng lúa, cuộc sống trong bản ấm no vui hẳn lên.
Về sau, để nhớ ơn Pọ Khâu, người dân tôn anh là Thần Lúa. Ngày giỗ ngày Tết bao giờ người ta cũng đặt trên bàn thờ một mâm gạo trắng.
Nhận xét:
Một câu chuyện lí giải nguyên nhân con người phải tự mình thu hoạch lúa và một câu chuyện lại chỉ ra nguồn gốc của những hạt lúa, song chúng đều thể hiện mong ước về cuộc sống ấm no, đủ đầy của con người. Con người muốn tìm cái ăn, tất yếu phải lao động, sáng tạo, mày mò, tìm kiếm.
Bài tập 5. Đọc lại văn bản Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr.15 – 19) và trả lời các câu hỏi:
1. Trong đoạn mở đầu phần 1 của truyện, tác giả đã giới thiệu và nhấn mạnh nét tính cách nào ở nhân vật Tử Văn?
2. Tóm tắt các sự kiện chính của câu chuyện. Các sự kiện ấy được trình bày theo trình tự nào?
3. Tính cách của nhân vật Tử Văn chủ yếu được khắc hoạ qua những chi tiết nào? Hãy phân tích một số chi tiết tiêu biểu để khái quát đặc điểm tính cách của nhân vật.
4. Sử dụng yếu tố kì ảo là đặc trưng nghệ thuật nổi bật của truyện truyền kì. Hãy chọn phân tích giá trị biểu hiện của một số yếu tố kì ảo trong truyện (không gian kì ảo, nhân vật kì ảo,...).
5. Nêu một số thông điệp bạn tiếp nhận được từ tác phẩm Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên.
6. Theo bạn, lời bình ở cuối truyện có vai trò gi?
7. Hãy đặt câu với các từ Hán Việt sau: cương trực, khôi ngô, phong độ.
1. Trong đoạn mở đầu phần 1 của truyện, tác giả đã nhấn mạnh tính cách khảng khái, cương trực ở nhân vật Tử Văn. Đây là cách giới thiệu nhân vật quen thuộc của thể loại truyện truyền kì nói chung và trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ nói riêng.
2. Các sự kiện chính của truyện: được trình bày theo trình tự thời gian và nhân quả:
- Tên tướng nhà Ngô làm yêu làm quái trong dân gian khiến Tử Văn bất bình, châm lửa đốt đền của tên tướng giặc.
- Tử Văn “thấy trong mình khó chịu, đầu lảo đảo và bụng run run, rồi nổi lên một cơn sốt nóng sốt rét”, trong cơn mê man thấy tên hung thần đến trách mắng, đe dọa.
- Tử Văn bệnh nặng thêm, rồi bị quỷ sử bắt xuống Minh ty và khép vào tội chết. Tử Văn vẫn rất cứng cỏi, không bị khuất phục bởi những lời buộc tội oan.
- Ở cõi âm, Tử Văn và tên tướng giặc nhà Ngô tranh cãi. Bằng chính nghĩa của mình, Tử Văn chiến thắng, được Diêm Vương cho nhận chức Phán sự đền Tản Viên.
3. Tính cách của nhân vật Tử Văn chủ yếu được khắc hoạ qua những chi tiết:
- Lời của người kể chuyện (lời kể, lời bình): “Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”; “Tử Văn bèn tâu trình đầu đuôi như lời Thổ công đã nói, lời rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào”; “Vì cứng cỏi mà dám đốt đền tà, chống lại yêu ma, làm một việc hơn cả thần và người”;...
- Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng chàng vẫn vung tay không cần gì cả.
- Tử Văn bèn tâu trình đầu đuôi như lời Thổ công đã nói, lời rất cứng cỏi không chịu nhún nhường chút nào.
- Vì cứng cỏi mà dám đốt đền tà, chống lại yêu ma, làm một việc hơn cả thần và người.
4. Các yếu tố kì ảo:
- Không gian kì ảo: ở cõi âm. Không khí u ám, ghê sợ.
- Nhân vật kì ảo: Diêm Vương, Thổ Công, hồn ma tướng giặc nhà Ngô cùng lũ ma quỷ.
- Mô-típ kì ảo: người chết bỗng dưng sống lại, người hóa thành thần, được thần linh ban chức.
=> Trong Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên, yếu tố kì ảo được sử dụng một cách “đậm đặc” Yếu tố kì ảo vừa là phương tiện để tác giả phơi bày mặt trái của hiện thực vừa là phương thức làm “lạ hoá” đối tượng miêu tả, thể hiện, mang lại sức hấp dẫn cho câu chuyện.
5. Thông điệp từ tác phẩm Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên:
- Ca ngợi khí phách của kẻ sĩ: chính trực, dũng cảm đấu tranh chống lại cái ác, bảo vệ chính nghĩa.
- Thể hiện khát vọng và niềm tin vào công lí, vào sự chiến thắng của cái thiện.
- Phê phán xã hội đương thời: quan lại tham nhũng, ăn hối lộ, bao che cho kẻ xấu tàn hại dân lành.
- Thể hiện lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc.
6. Lời bình ở cuối truyện có vai trò: mang tới cho bạn đọc những ý nghĩa đúc kết từ câu chuyện, khẳng định, ngợi ca khí tiết cứng cỏi, tỉnh thần xả thân vì chính nghĩa của kẻ sĩ,... , gián tiếp tố cáo kẻ ác, thể hiện khát vọng công bằng.
7.
- Chu Văn An nổi tiếng là người cương trực không màng danh lợi.
- Những thần trong huyền thoại Hy Lạp có hình dáng loài người và rất khôi ngô tuấn tú.
- Dù đã ở tuổi tứ tuần nhưng ông ta vẫn còn phong độ lắm!
Bài tập 6. Đọc lại văn bản Chuyện chức Phán sự đền Tan Viên trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 17 – 18), đoạn từ “Tử Văn vâng lời” đến “sai lính đưa Tử Văn về” và trả lời các câu hỏi:
1. Tóm tắt diễn biến của phiên toà xử án nơi cõi âm.
2. Xác định chi tiết có tác dụng xoay chuyển tinh thể trong phiên toà. Sự việc ấy có mối liên hệ với chi tiết nào ở phần 2?
3. Theo bạn, yếu tố nào có ý nghĩa quyết định trong việc làm nên chiến thắng của Tử Văn trong cuộc tranh biện?
4. Phân tích một số chi tiết tiêu biểu trong đoạn trích thể hiện tính cách của nhân vật Tử Văn.
5. Giải thích ý nghĩa và đặt câu với các từ Hán Việt sau: cư sĩ, trung thuần, lẫm liệt, khoan dung, chỉ công.
1. Tóm tắt diễn biến:
- Tử Văn bị quỷ sứ bắt xuống âm phủ; Diêm Vương nghe lời kêu cầu của tên tướng giặc, ra lệnh trừng phạt Tử Văn.
- Tử Văn lớn tiếng kêu oan; tranh biện với tên tướng giặc khiến Diêm Vương phải xem lại phán quyết.
- Diêm Vương theo lời đề nghị của Tử Văn, tra rõ thực hư, trị tội tên tướng giặc họ Thôi, ban thưởng Tử Văn.
2. Chi tiết có tác dụng xoay chuyển tình thế trong phiên toà là Tử Văn nói với Diêm Vương: “Nếu nhà vua không tin lời tôi, xin tư giấy đến đền Tản Viên để hỏi; không đúng như thế, tôi xin chịu thêm cái tội nói càn”.
3. Đó là bản lĩnh cứng cỏi, lòng dũng cảm, tinh thần đấu tranh vì chính nghĩa, niềm tin vào sức mạnh của lẽ phải,...
4. Chi tiết Tử Văn tranh biện với tên tướng giặc họ Thôi và bị lâm vào tình thế đơn độc, bất lợi. Diêm Vương bị hồn ma tên tướng giặc và cả những kẻ dưới quyền lừa dối nên chưa xét hỏi đã kết tội và trách mắng Tử Văn. Tên tướng giặc họ Thôi gian xảo, lại được những “đền miếu gần quanh” bao che, bênh vực. Vậy mà Tử Văn vẫn bình tĩnh, cứng cỏi, dùng lí lẽ sắc bén, đanh thép phơi bày tội lỗi của hắn - “không chịu nhún nhường chút nào”...
5.
Từ | Nghĩa | Đặt câu |
Cư sĩ | Người trí thức thời phong kiến đi ở ẩn hoặc người theo đạo Phật tu tại gia | Nhà thơ Bạch Cư Dị là một cư sĩ đời Đường |
Trung thuần | Ngay thẳng, trong sạch, hết lòng vì bổn phận | Viên quan ấy một đời trung thuần nên nhân dân rất yêu mến. |
Lẫm liệt | Nghiêm trang, hiên trang, oai phong đáng kính phục | Tượng Trấn Vũ trông lẫm liệt. |
Khoan dung | Rộng lượng, tha thứ cho người dưới mắc lỗi lầm | Khoan dung, độ lượng đó là đức tính cần có ở mỗi người. |
Chí công | Hết sức công bằng không chút thiên vị | Anh ấy là một vị thẩm phán chí công, vô tư. |
Bài tập 7. Truyện ngắn Chữ người tử tù được in lần đầu tiên có nhan đề Giòng chữ cuối cùng. Ở lần in sau, Nguyễn Tuân đã thay đổi nhiều từ ngữ, câu văn, chi tiết miêu tả. Hãy đọc hai đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
a.- Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay nghề đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ rõ ràng như thế. Thoi mực, Ngục quan cảm động, vải tên tù một vải và nói một câu mà giòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào:
- Xin bái lĩnh.
Viên quản ngục nhìn mặt chữ khô lần lần. Y sung sướng vì giữ được giòng chữ quý. Y tự nhủ: “Tất cả nghề nghiệp ta, và có lẽ cả đời ta nữa, lãi chỉ ở chỗ xin được chút kỉ niệm này". Nhưng, một tình buồn mênh mông đã lẻn vào lòng sung sướng của quản ngục...Ít hôm nữa... pháp trường trong Kinh...
(Nguyễn Tuân, Giòng chữ cuối cùng, tạp chí Tao Đàn, số 1/ 1939)
b.
- Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thấy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?... Tôi bảo thực đẩy: thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi. Lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo châm rồi lại nhìn nhau. Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau rồi tù một với c Ngục quan cảm động, vai người tù một vải, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh
(Nguyễn Tuân, Chữ người tử tù, Ngữ văn 10, tập một, tr. 26)
1. So sánh, nêu nhận xét về nhan đề của tác phẩm ở hai bản in.
2. Chỉ ra một số điểm khác biệt nổi bật về từ ngữ, chi tiết miêu tả trong hai đoạn trích trên.
3. Phân tích tác dụng của việc thay đổi một số từ ngữ hoặc chi tiết trong bản in thứ hai.
4. Từ việc so sánh hai đoạn trích trên, bạn hiểu thêm điều gì về sức hấp dẫn của truyện kể?
5. Giải thích ý nghĩa và đặt câu với các từ Hán Việt sau: hoài bão, tung hoành, thiên lương.
1.
Nhan đề | Giòng chữ cuối cùng | Chữ người tử tù |
Giống nhau | Đều tập trưng vào “chữ”- linh hồn của cái đẹp. | |
Khác nhau | Mang nỗi hoài niệm, chất chứa sự ảm đạm, u buồn trước cái đẹp và tài năng của người tử tù. | Nhấn mạnh mối liên hệ giữa chữ và người - giữa phẩm chất và thân phận, từ đó làm nổi bật lên sức mạnh và sức sống bất diệt của “chữ”,... |
2.
So sánh | Đoạn a | Đoạn b |
Câu 2 | Thay nghề đi | Thay chốn ở đi |
Câu 3 | Với những nét chữ rõ ràng như thế | Với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người |
Câu 4 | Thoi mực, kiếm được ở đâu mà tốt thế. | Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. |
3. Câu văn “Ta khuyên thầy Quản nên thay nghề đi” ở đoạn trích a giới hạn ở tác động của “công việc”; còn câu văn “Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi” ở đoạn trích b mở rộng thành tác động của môi trường sống, bối cảnh xã hội đối với nhân cách, tâm hồn con người,.. Sự thay đổi đó thể hiện rõ hơn ý đồ nghệ thuật, tư tưởng của nhà văn và chủ đề của truyện ngắn...
4. Sức hấp dẫn của truyện kể được chính người viết lựa chọn từng con chữ. Con chữ phải hay, phải đọng, phải ý nghĩa mới khiến tác phẩm trở nên lôi cuốn, có sức mê tới bạn đọc.
5.
Từ | Nghĩa | Đặt câu |
Hoài bão | Những ấp ủ trong lòng muốn làm những điều lớn lao và tốt đẹp. | Anh ấy là kẻ có hoài bão lớn. |
Tung hoành | Là hành động không chịu khuất phục, hành động một cách mạnh mẽ và ngang dọc theo ý muốn, không gì ngăn nổi. | Tay đó lâu nay tung hoành ở bến xe lục tỉnh. |
Thiên lương | Lương tâm, bản tính tốt của con người | Người phụ nữ ấy có đức thiên lương. |
Bài tập 8. Đọc lại văn bản Tê-dê (Theseus) trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 38 – 42) và trả lời các câu hỏi:
1. Xác định thời gian, không gian và các sự kiện chính của truyện thần thoại Tê-dê.
2. Trong các truyện thần thoại Hy Lạp, phẩm chất của nhân vật anh hùng thường được thể hiện khi đối mặt với thử thách:
a. Hãy nêu những thử thách mà nhân vật Tê-dê đã trải qua Tê-dê?
b. Việc chiến thắng các thử thách đã thể hiện những phẩm chất gì của nhân vật
c. Bạn ấn tượng nhất với phẩm chất nào của nhân vật Tê-dê? Vì sao?
3. Qua nhân vật Tê-dê, bạn hiểu được điều gì về quan niệm của người Hy Lạp thời cổ đại về người anh hùng?
4. Chọn phân tích một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của truyện thần thoại Tê-đê.
1.
- Không gian: một thành phố phía Nam Hy Lạp, thành A – ten, trên đường về A – ten, thành A – ten.
- Thời gian: khi Tê - dê còn nhỏ, khi Tê – dê đã lớn, thành A – ten nhiều năm về trước, thành Cơ – rét, khi Tê – dê trở thành vua.
- Các sự kiện chính:
+ Tê- dê là con trai của vua Ê – giê, vua Ê – giê nói rằng khi nào chàng lớn và đủ sức mạnh thì hãy đến A – ten tìm ông.
+ Tê – dê đến được A – ten bằng đường bộ, diệt được bọn cướp và rất được lòng dân chúng. Tuy nhiên, vì chưa biết chàng là con mình nên vua Ê – giê đã nghe theo lời Mê – đê hòng đầu độc chàng. Cuối cùng, khi biết được sự thật, vua Ê – giê đã truyền ngôi cho Tê – dê.
+ Vua Mi – nô – xơ đem quân đánh chiếm A – ten vì vua Ê – giê đã hại chết con trai ông.
+ Nhờ sự giúp đỡ của A – ri – an – con vua Mi – nô – xơ, Tê – dê đã giết được con quái vật trong mê cung. Chàng thực hiện lời hứa sẽ cưới nàng và đưa nàng về A – ten.
+ Tuy nhiên, trên đường về A – ri – an đã chết. Vì quá vui mừng với thành công hoặc có thể do quá đau buồn vì cái chết của A – ri – an, Ê – dê đã quên không căng cánh buồm màu trắng biểu thị mình vẫn còn sống lên. Tưởng con mình đã chết, vua Ê – giê đã gieo mình xuống biển.
- Tê – dê trở thành vua xứ A – ten và lập một chính quyền bình đẳng.
2.
a. Thử thách mà nhân vật Tê-dê đã trải qua: Không chấp nhận con đường an nhàn, dễ dàng khi lựa chọn hành trình đầy nguy hiểm để đến A-ten
b. Việc chiến thắng các thử thách đã thể hiện những phẩm chất của Tê-dê: mạnh mẽ, can đảm, có khát vọng, lí tưởng của người anh hùng và bản lĩnh, trí tuệ của người lãnh đạo anh minh (lập chiến công, giúp đỡ người yếu thế, thực thi công lí, gìn giữ sự công bằng, sáng lập thể chế dân chủ,...).
c. Ấn tượng với phẩm chất người dũng cảm. Đây là một trong nhiều đức tính mà con người cần có dù trong những câu chuyện kể hay ngoài đời sống. Nhờ có tính thần dũng cảm mà con người mới có sức mạnh vượt qua những khó khăn, thử thách, chướng ngại vật để đi đến thành công.
3. Quan niệm của người Hi Lạp thời cổ đại về người anh hùng: Họ là những người hội tụ đầy đủ sức mạnh thể chất và lí trí. Đồng thời, họ luôn hướng đến khát vọng hòa bình, đi tìm chính nghĩa, được tự do.
4. Có thể chọn phân tích một trong các yếu tố làm nên sức hấp dẫn của truyện thần thoại Tê-đê như:
- Những yếu tố tưởng tượng kì ảo li kì, hấp dẫn.
- Nhân vật vừa mang sức mạnh của thần linh, vừa mang dáng dấp của con người.
- Tình huống truyện kịch tính, bất ngờ
- Phản ánh khát vọng của người cổ đại phương Tây về con người và xã hội.
Ngoài hướng dẫn giải vở bài tập lớp 10 tập 1, tập 2 sách Kết Nối Tri Thức chúng tôi cũng cung cấp phiếu bài tập cuối tuần theo sát chương trình mới giúp các em ôn tập kiến thức hiệu quả. Cùng với đó là bộ đề thi giữa kì, cuối kì, cuối năm học giúp các em làm quen với các dạng bài, câu hỏi trong kì thi nhanh chóng và giành được điểm số cao đúng với mong muốn.
Nếu thấy nội dung giải VBT lớp 10 Kết Nối Tri Thức của chúng tôi hữu ích, các em học sinh - phụ huynh đừng quên theo dõi website Giaibaitapsgk để cập nhật thêm nhiều thông tin hấp dẫn khác. Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp giáo án lớp 10 sách Kết Nối Tri Thức theo chương trình mới để các bậc phụ huynh tham khảo và ứng dụng vào việc dạy học tại nhà.