Wave

Soạn ngữ văn 8 chân trời bài 1 Nhớ đồng

Tài liệu hướng dẫn soạn bài theo chương trình mới SGK 8 Chân Trời Sáng Tạo của Giaibaitapsgk sẽ giúp các em học sinh nhanh chóng hoàn thành bài tập. Kèm theo đó là hướng dẫn giải vở bài tập Văn 8 tập 2, tập 1 giúp các em học sinh rút ngắn thời gian học tập.

Soạn văn bài 1 Nhớ đồng sách ngữ văn 8 tập 1 chân trời sáng tạo. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.

CHUẨN BỊ ĐỌC

Câu hỏi: Vùng đất hoặc con người nào đã để lại trong em ấn tượng sâu đậm?


Tham khảo thêm: Vùng đất quê hương em, con người Nam bộ,

TRẢI NGHIỆM CÙNG VĂN BẢN

Câu 1: Xác định cảm xúc của tác giả ở khổ thơ này. Dựa vào đâu em xác định như vậy?


Thể hiện cảm xúc nhớ đồng da diết.

Vần thơ làm hiện lên một không gian nghệ thuật bức tranh đồng quê: diễn tả một tâm trạng nghệ thuật ấy là nỗi nhớ đồng da diết. Nhớ hương vị quê hương, nhớ cồn thơm đất nhả mùi", nhớ luống cày, nhớ hương lúa. Nhở lũy tre, ruồng tre xanh trùm bóng mát rượi "thở yên vui". Chữ  thở trong câu thơ "đâu ruồng tre mát thở yên vui" được sử dụng tài tình, gợi tả âm thanh rì rào, lao xao của lá tre, khúc nhạc yên vui, êm đềm của làng quê ta bao đời nay. Một sự chuyển đổi cảm giác đầy thi vị. Nhớ đồng là nhớ "từng ô mạ xanh mơn mởn" - tươi đẹp và xanh non. Nhớ đồng là nhớ vị "bùi" của sắn, vị “ngọt" của khoai. Các tính từ - bổ ngữ: "thơm", "mát", "yên vui", “xanh mơm mởm” "ngột", "bùi"... đã tô đậm vẻ đẹp của đồng quê. Bức tranh quê trong hoài niệm hiện lên thân thuộc, bình dị, xinh đẹp và đáng yêu biết bao! Bị tù đày mà xa cách quê hương. Cảnh sắc quê hương giờ đây chỉ hiện lên trong hoài niệm, trong nỗi nhớ vơi đầy. Chữ ''đâu” bốn lần xuất hiện diễn tả một cách xúc động, đầy ám ảnh nỗi nhớ đồng gắn liền với nỗi đau buồn cô đơn của nhà thơ đang bị đày đọa trong chốn ngục tù.

Câu 2: Việc lặp lại hai dòng thơ này có tác dụng gì?


Nêu ra sự ám ảnh lớn với người đọc: nỗi nhớ thương da diết, nỗi ám ảnh trong lòng người đọc.

  • Tạo nhịp điệu, tạo tính nhạc cho toàn bài thơ.
  • Gây được sức ám ảnh lớn, nhấn mạnh tâm trạng nhớ thương da diết những hình ảnh, những kỷ niệm đẹp đẽ của quê hương và cuộc sống bên ngoài.
  • Khắc sâu nghịch cảnh giam cầm tù túng, cô đơn của người tù.
  • Toàn bài thơ dường như cũng trở thành tiếng hò miên man, buồn bã của người tù.

SUY NGẪM VÀ PHẢN HỒI

Câu 1: Xác định thể thơ của bài thơ và cách gieo vần, ngắt nhịp trong khổ thơ thứ hai.


Bài thơ thuộc thể thơ bảy chữ.

Câu thơ thứ nhất, thứ hai và thứ tư có cùng vần ui, các câu thơ có nhịp 4/3.

Câu 2: Tìm những câu thơ, những từ ngữ được lặp đi lặp lại trong bài thơ và nêu tác dụng của việc sử dụng các cách diễn đạt đó.


     Trong bài thơ, Tố Hữu dùng khá nhiều phép lặp: Gì sâu bằng những trưa thương nhớ, Gì sâu bằng những trưa hiu quạnh và điệp từ "đâu". Hai điệp khúc đã nêu gợi ra một sự ám ảnh lớn trong lòng người đọc. Câu thơ khơi gợi nỗi nhớ thương da diết và sự cô đơn tự đáy lòng sâu thẳm của nhà thơ. Nỗi nhớ thương được so sánh bằng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (Gì sâu bằng... trưa thương nhớ, trưa hiu quạnh). Điệp từ "đâu" lập lại liên tiếp ở các khổ thơ trải ra mênh mông nỗi nhớ của nhà thơ. Nó khơi gợi để nhà thơ hồi tưởng và nhớ thương về tất cả những gì đã gắn bó máu thịt với mình. Đôi chân đã bị cùm, đôi mắt đã bị giam hãm bởi bốn bức tường của nhà lao, nhà thơ chỉ còn có thể nghe và cảm nhận bằng tâm hồn nhạy cảm của mình. Việc sử dụng thành công những biện pháp nghệ thuật như đã nêu cho thấy sự cảm nhận sâu sắc của nhà thơ trong hoàn cảnh tù đày.

Câu 3: Nhận xét về cách sắp xếp các phần trong bố cục của bài thơ. Từ đó, xác định sự vận động của mạch cảm xúc được tác giả thể hiện trong bài thơ.


  • Phần 1: 9 khổ thơ đầu: nỗi nhớ của người cộng sản với cuộc sống bên ngoài nhà tù
  • Phần 2: 2 khổ tiếp: nhà thơ nhớ về bản thân mình những ngày chưa bị giam cầm
  • Phần 3: còn lại: trở lại thực tại phòng giam ngột ngạt

Các phần đi từ khao khát đến thực tại, mạch cảm xúc của tác giả cũng đi từ nỗi nhớ quê nhà đến nhớ những ngày tự do cho đến thực tại phũ phàng bây giờ. Bài thơ là mạch cảm xúc trôi chảy của tác giả. Sự bức bối trong nhà tù, sự cô đơn của nhà thơ bắt gặp tiếng hò quê hương tha thiết, đó là nguyên nhân khởi nguồn cho bao cảm xúc nhớ thương của nhà thơ về quê hương, về đồng bào. Để rồi từ đó càng dậy lên trong lòng nhà thơ khát khao được tự do, khát khao hành động, khát khao thực hiện lí tưởng hòng đem lại độc lập cho dân tộc, sự no ấm cho quê hương. Mạch cảm xúc của tác giả trong bài thơ tự nhiên mà lô gích. Nó rất hợp với tâm trạng của một người chiến sĩ trẻ đang khao khát hành động nhưng lại bị giam cầm, tù hãm.

Câu 4: Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Căn cứ vào đâu để em xác định như vậy?


Bài thơ là tiếng lòng da diết với cuộc đời, cuộc sống tự do và say mê cách mạng của nhân vật trữ tình. Dựa trên cảm hứng xuất phát từ tiếng hò cùa nhà thơ cũng như việc sử dụng phép lặp, những hình ảnh, từ ngữ, giọng điệu khơi gợi nỗi nhớ quê hương da diết thể hiện Niềm say mê lí tưởng và khát khao tự do của nhà thơ và sự vận động của tác giả đã cho thấy nỗi niềm nhớ mong những tháng ngày tự do của tác giả.

Câu 5: Xác định chủ đề của bài thơ. Chủ đề đó được thể hiện qua những hình thức nghệ thuật nào?


Bài thơ Thể hiện khát vọng tự do, tình yêu nhân dân, đất nước, yêu cuộc sống của chính mình.

Thể hiện qua việc:

  • Sử dụng rất thành công biện pháp tu từ điệp ngữ, điệp cấu trúc.
  • Giọng thơ da diết, khắc khoải, sâu lắng.
  • Hình ảnh thơ gần gũi, giản dị mộc mạc, đời thường.

Câu 6: Theo em, tác giả muốn gửi thông điệp gì tới người đọc qua bài thơ này?


Nỗi nhớ đồng quê, con người, chính mình biểu hiện tình yêu da diết với cuộc sống bên ngoài nhà tù và bao trùm hơn hết là tình yêu Tổ quốc, khát vọng tự do. Không gì có thể hơn quê nhà cũng như sự tự do, nhưng quan trọng hơn hết vẫn là tình yêu đối với Tổ quốc.

Câu 7: Viết khoảng năm câu hoặc vẽ bức tranh thể hiện sự tưởng tượng của em về cảnh sắc, con người được gợi tả trong Nhớ đồng. Những hình ảnh tưởng tượng đó có tác dụng thế nào đối với việc hiểu nội dung bài thơ?


Đồng quê hiện lên rất đậm nét qua nỗi nhớ của tác giả. Đó là những cảnh sắc như đồng ruộng với những cồn thơm, ô mạ xanh mơn mởn, nương khoai sắn ngọt bùi; xóm nhà chìm lặng, con đường mòn mỏi theo năm tháng. Tất cả đều là những cảnh sắc đơn sơ quen thuộc mà rất đỗi thân thương. Là những bóng dáng người lao động lam lũ, nhọc nhằn, và nhất là bóng dáng người mẹ già đơn chiếc – những kiếp người muôn đời gắn bó với đất đai. Họ chất phác và bền bỉ như đất đai. Không gian sau nỗi nhớ thật bình dị thân thuộc, khắc khoải một tâm trạng kiếm tìm, nuối tiếc, trân trọng những vẻ đẹp của nhà thơ. Làng quê hiện về trong kí ức với hương của đất, bóng mát lũy tre làng, sắc xanh nao lòng của mạ và vị ngọt bùi khoai sắn gợi một cảm giác thật bình yên, đáng yêu đáng quí. 

Những hình ảnh đó giúp ta hình dung được nỗi nhớ của tác giả cũng như thể hiện được bức tranh sinh động về cảnh vật qua nỗi nhớ mà tác giả đã thể hiện giúp ta hiểu sâu sắc hơn về nội dung của bài.

PHẦN THAM KHẢO MỞ RỘNG 

Câu 1. Em hãy nêu giá trị nội dung, nghệ thuật của bài Nhớ đồng.


- Giá trị nội dung:

  • Bài thơ là tiếng lòng da diết với cuộc đời, cuộc sống tự do và say mê cách mạng của nhân vật trữ tình.
  • Thể hiện khát vọng tự do, tình yêu nhân dân, đất nước, yêu cuộc sống của chính mình. 

- Giá trị nghệ thuật: 

  • Sử dụng rất thành công biện pháp tu từ điệp ngữ, điệp cấu trúc.
  • Giọng thơ da diết, khắc khoải, sâu lắng.
  • Hình ảnh thơ gần gũi, giản dị mộc mạc, đời thường.

Câu hỏi 2.  Em hãy nêu nội dung chính của bài Nhớ đồng


Nhớ đồng là bài thơ giàu cảm xúc và tâm trạng của một người chiến sĩ khao khát tự do và hành động. Nỗi nhớ đồng quê, con người, chính mình biểu hiện tình yêu da diết với cuộc sống bên ngoài nhà tù và bao trùm hơn hết là tình yêu Tổ quốc, khát vọng tự do.

Câu hỏi 3. Nêu tác giả, tác phẩm, bố cục của bài Nhớ đồng 


1. Tác giả

*Tiểu sử:

- Tố Hữu (1920 – 2002), tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành.

- Thời thơ ấu: Sinh ra và lớn lên trong gia đình Nho học ở Huế, vùng đất cố đô thơ mộng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian.

- Thời thanh niên: Sớm giác ngộ cách mạng, hăng say hoạt động và đấu tranh cách mạng, trải qua nhiều lần tù ngục.

- Sau đó, Tố Hữu liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của đất nước, đặc trách mặt trận văn hóa văn nghệ.

*Sự nghiệp văn học:

- Phong cách nghệ thuật:

+ Nội dung thơ Tố Hữu là thơ trữ tình – chính trị, gắn bó và phản ánh chân thực những chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hi sinh và những chiến công. Thể hiện lẽ sống, lí tưởng, tình cảm cách mạng của người Việt Nam hiện đại.

+ Nghệ thuật thơ Tố Hữu thể hiện ở phong cách trữ tình chính trị, đậm đà tính dân tộc.

- Các tập thơ tiêu biểu: Từ ấy (1937 – 1946), Việt Bắc (1947 – 1954), Gió lộng (1955 – 1961), Ra trận (1962 – 1971), Máu và hoa (1972 – 1977), Một tiếng đờn (1978 – 1977), Ta với ta (1992 – 1999)…

- Ông được tặng thưởng Huân chương sao vàng năm 1994; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996 và Giải thưởng văn học ASEAN 1999.

⇒ Tố Hữu là nhà thơ lớn của dân tộc, là “lá cờ đầu của thơ ca cách mạng” Việt Nam hiện đại.

2. Tác phẩm

a. Xuất xứ: Bài thơ nằm trong phần Xiềng xích của tập thơ Từ ấy.

b. Hoàn cảnh sáng tác

- 1939, nguy cơ đại chiến thứ hai bùng nổ. Pháp tập trung đàn áp phong trào cách mạng Đông Dương.

- 29 – 4 – 1939, Tố Hữu bị bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ. Tác giả mới được kết nạp vào Đảng 1938, đang say sưa hoạt động phong trào, bị bắt, thế giới nhà tù cô đơn ngăn cản cuộc sống bên ngoài nhà tù.

- Bài thơ được viết chính thức vào tháng 7 – 1939.

c. Thể thơ: Thơ bày chữ.

d. Phương thức biểu đạt: Biểu cảm.

3. Bố cục: 3 phần

- Phần 1 (Từ đầu đến thiệt thà): Nỗi nhớ da diết cuộc sống bên ngoài nhà tù.

- Phần 2 (Tiếp theo đến ngát trời): Nỗi nhớ về chính mình trong những ngày chưa bị giam cầm.

- Phần 3 (Còn lại): Trở lại thực tại trại giam cầm lòng trĩu nặng với nỗi nhớ triền miên.

Câu hỏi 4. Phân tích tác phẩm Nhớ đồng


Tố Hữu - một nhà thơ cách mạng nổi tiếng, ông được kết nạp đảng năm 1938 thì đến năm 1939 trong quá trình hoạt động đã bị bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ, hoạt động cách mạng hăng say và nhiệt huyết là thế nhưng lại bị bắt giam nên trong quá trình bị giam cầm ông đã sáng tác một tập thơ mang tên "Từ ấy", bài thơ "Nhớ đồng" nằm trong phần "Xiềng xích" của tập thơ nói về tâm trạng nhớ quê hương, cách mạng của ông những ngày tháng sống trong trại giam.

Trong hoàn cảnh bị giam cầm tù hãm, người chiến sĩ cộng sản không tránh khỏi những u buồn, nhớ thương, chính tiếng hò vang vọng đâu đó đã đánh thức và khơi dậy nỗi niềm nhớ thương của người tù. Giữa không gian đồng không mông quạnh trưa nắng, một con người lẻ loi, cô độc đang bị giam cầm tách biệt với cuộc sống bên ngoài.

"Gì sâu bằng những trưa thương nhớ
Hiu quạnh bên trong một tiếng hò"

"Gì sâu bằng" ấy là nói về nỗi nhớ sâu thẳm trong cõi lòng tác giả, điệp từ "đâu" ở đầu suốt năm câu thơ như là nỗi day dứt tìm kiếm trở về với cuộc sống khi xưa, tìm kiếm sự yên bình nơi quê hương trong sự ngậm ngùi:

"Đâu gió cồn thơm đất nhả mùi...
Đâu những đường con bước vạn đời"

Bức tranh cuộc sống sinh hoạt làng quê thân thương và rất đỗi bình dị hiện ra trước mắt người tù cộng sản, chỉ là tưởng tượng thôi nhưng nó sống động và tuyệt đẹp, giàu xúc cảm biết bao. Không chỉ là cảnh đồng lúa, khóm tre, nương rẫy hay những mái nhà tranh, ở trong tâm tưởng của nhà thơ còn có con người, những người nông dân cơ cực vất vả nhưng ấm áp tình người.

"Đâu những lưng cong xuống luống cày...
Đâu dáng hình quen, đâu cả rồi...
Ôi mẹ già xa đơn chiếc ơi"

Đâu đó còn là bóng dáng của người mẹ thương nhớ càng siết chặt thêm nỗi khắc khoải khôn nguôi của nhà thơ, tác giả như chìm đắm, say trong những cơn nhớ nhung không dứt "Chao ôi thương nhớ, chao thương nhớ..." từng lời như đang than thở vì sự bất khả kháng với hoàn cảnh của chính mình, không thể thoát ra để giải tỏa nỗi lòng. Người chiến sĩ trẻ nhớ về những ngày đầu đến với lý tưởng cách mạng và thời hoạt động cách mạng tự do của mình:

"Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi...
Trên chín tầng cao bát ngát trời"

Trước là nhớ về quá khứ tối tăm ngột ngạt của mình để như khẳng định hơn sự sáng suốt và đúng đắn, niềm hạnh phúc khi tìm được lý tưởng cách mạng, và rồi tác giả tự cho mình những giây phút say trong niềm khao khát hoạt động cách mạng ấy, tâm trạng u buồn bỗng nhiên được tưới mát trở nên vui vẻ và phấn chấn hơn, "Nhẹ nhàng như con chim cà lơi", cánh chim tượng trưng cho sự tự do tự tại và tác giả đang ví mình là những con chim đó, say trong đồng hương nắng như chính người chiến sĩ say trong hoạt động cách mạng. Nhưng dù có cố gắng cách mấy nhà thơ cũng không tránh khỏi sự đối mặt với thực tại bị giam hãm trong lao tù, hai câu thơ kết lặp lại y nguyên hai câu thơ đầu, nhấn mạnh sự bất lực, bế tắc không có lối thoát. Mặc dù vậy tư tưởng hướng về quê hương và cách mạng vẫn còn đó, khát vọng về một ngày được tự do được hoạt động cách mạng vẫn luôn cháy bỏng trong trái tim người tù cộng sản.

Qua bài thơ "Nhớ đồng" người đọc không chỉ cảm nhận được một tình yêu quê hương tha thiết của Tố Hữu mà còn thấy hiện lên một người chiến sĩ cộng sản yêu lý tưởng cách mạng, yêu đất nước và khát vọng tự do hành động, hy sinh vì Tổ quốc.

Để nâng cao khả năng cảm nhận văn học của bản thân đừng quên tham khảo thêm bộ đề 8 kì 2 & kì 1 SGK Chân Trời Sáng Tạo dưới đây.

Mong rằng những tài liệu hướng dẫn soạn, giải vở bài tập Ngữ văn 8 tập 2, tập 1 mà Giaibaitapsgk cung cấp sẽ giúp các em học sinh rút ngắn thời gian học tập. Bộ đề thi học sinh giỏi: lớp 8 và soạn văn lớp 8 giúp các em học sinh nâng cao khả năng của bản thân, đồng thời cũng là tài liệu tham khảo siêu hữu ích.