Soạn ngữ văn 11 cánh diều bài 1 Tôi yêu em
Đáp án giải vở bài tập 11 Tập 1 & tập 2 Cánh Diều chi tiết giúp các em học sinh rút ngắn thời gian làm bài. Đồng thời có thể đối chiếu một cách nhanh chóng từ đó phát hiện ra lỗi sai trong bài làm của mình để sửa lại. Ngoài đáp án 11 sách Cánh Diều bạn có thể tham khảo bộ đề trắc nghiệm Văn lớp 11 kì 2, kì 1 mà Giaibaitapsgk.net đã cập nhật năm 2023.
Soạn văn bài 1 Tôi yêu em sách ngữ văn 11 tập 1 cánh diều. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.
CÂU HỎI GIỮA BÀI
Câu 1. Lời giãi bày thể hiện tình cảm, tâm trạng gì của nhân vật trữ tình?
Lời giãi bày thể hiện: Cảm xúc bị ghìm nén, chi phối bởi lí trí, mạch cảm xúc tuôn trào, tuân theo mệnh lệnh lí trí khẳng định tình yêu. Đồng thời cũng thể hiện nỗi buồn trong sáng của tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, vị tha.
CÂU HỎI CUỐI BÀI
Câu 1. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là ai? Dựa vào yếu tố nào để xác định điều đó?
- Nhân vật trữ tình trong bài thơ là tác giả
- Nhận biết qua đại từ xưng hô “tôi - em”.
Câu 2. Cụm từ nào trở thành điệp khúc được lặp lại nhiều lần trong bài thơ? Tác dụng nghệ thuật của biện pháp lặp cấu trúc đó là gì?
Cụm từ trở thành điệp khúc được lặp lại nhiều lần trong bài thơ là "Tôi yêu em". Cụm từ được dùng trong câu mở đầu khổ một, hai, câu ba khổng hai. Tôi yêu em được tấu lên 3 lần, đó cũng chính là giọng điệu của toàn bài, là lời giãi bày tình cảm của chủ thể trữ tình "tôi".
Câu 3. Tâm trạng của nhân vật trữ tình được thể hiện như thế nào qua bốn dòng thơ đầu?
Trong khổ thơ đầu, tác giả đã diễn tả lời từ giã tình yêu nhưng cũng chính là lời giãi bày tình cảm. Bài thơ mở đầu với lời thú nhận đáng yêu tôi yêu em, như lời thú nhận tự nhủ trực tiếp, ngắn gọn, giản dị nhưng cũng chân thành, tha thiết. Bốn câu thơ đầu cảm xúc bị ghìm nén, chi phối bởi lí trí, mạch cảm xúc tuôn trào, tuân theo mệnh lệnh lí trí khẳng định tình yêu. Lời từ giã thấm đượm nỗi buồn của tình cảm vô vọng, đầy ắp tình yêu nồng cháy, thấm đượm nỗi buồn trong mối tình vô vọng- Càng giã từ lại càng say đắm, thiết tha, mãnh liệt
=> Khổ thơ thể hiện nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, vị tha. Đó là là lời giã từ này có sự đúng đắn của lí trí, cả sự cao thượng, vị tha. Nó không chỉ đẹp, mà còn vươn tới giá trị tinh thần cao đẹp của loài người.
Câu 4. Trong mạch cảm xúc của bài thơ, hai dòng thơ kết có gì đặc biệt và cho thấy điều gì trong tình cảm, quan niệm về tình yêu của nhà thơ?
Trong hai dòng thơ kết, ta có thể thấy được sự cao thượng, trong sáng, chân thành trong tình yêu, bước ra khỏi mối tình vô vọng chính là cách để tôn trọng người phụ nữ ông yêu, đồng thời cũng là tôn trọng chính bản thân mình. Qua đó, thể hiện lối ứng xử thông minh, nhân hậu của một người đàn ông trưởng thành, khẳng định mạnh mẽ tình yêu sâu nặng của mình, và bộc lộ niềm tự hào, sự tự tin vào tình yêu ấy chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho cô gái.
Câu 5. Theo em, nhân vật xưng “tôi” trong bài thơ là người như thế nào?
Theo em, nhân vật “tôi” là người hiểu biết, thấu hiểu chuyện trong tình yêu, ta thấy được ông thể hiện tình yêu sâu sắc và tâm hồn cao thượng trong tình yêu, sẵn sàng hy sinh để người mình yêu được hạnh phúc, được vui vẻ, dẫu điều đó có khiến lòng ông đau đớn, tổn thương vô cùng.
Câu 6. Từ bài thơ Tôi yêu em, hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) nói lên suy nghĩ của em về cách ứng xử trong tình yêu.
Tác phẩm "Tôi yêu em" thể hiện những quan điểm của đại thi hào Puskin về tình yêu đôi lứa. Tình yêu không chỉ xuất phát từ tình cảm cá nhân mà nó xuất phát từ lí trí. Với Puskin tình yêu luôn được thể hiện một cách trực tiếp bằng những ngôn ngữ giản dị nhưng tha thiết, thể hiện một tình yêu mãnh liệt. Tình yêu đó bắt đầu từ những điều bình dị nhất như cách xung hô Tôi / em. Nó thể hiện sự trang trọng, dành trọn trái tim cho người mà mình yêu thương. Tình yêu của Puskin không một tình yêu ích kỉ, vụ lợi, ông tự nguyện chấp nhận sự lựa chọn của người con gái, không hờn dỗi, trách móc hay oán thán. Với Puskin, tình yêu không phải là sự ép buộc mà là sự tự nguyện: tự nguyện của những tâm hồn đồng cảm, đồng điệu. Hai người tuy chia tay nhưng không trở thành thù địch của nhau mà chia tay để nối thêm, để mở rộng tình đời. Đó là văn hoá ứng xử trong tình yêu. Tình yêu cần hướng đến sự đồng điệu, đồng cảm, sự tận tụy hi sinh, cần mãnh liệt để yêu và cần tinh tế để cảm nhận. Đó mới là cách úng xử tuyệt vời nhất, thông minh và có văn hóa.
PHẦN THAM KHẢO MỞ RỘNG
Câu 1. Em hãy nêu giá trị nội dung, nghệ thuật của bài Tôi yêu em
- Giá trị nội dung:
- Tôi yêu em là một lời nói nhân văn, là tiếng lòng của bao nhiêu đôi trai gái có duyên mà không có phận.. Bài thơ thấm đẫm nỗi buồn của mối tình vô vọng, nhưng là nỗi buồn của một tâm hồn yêu đương trong sáng, chân thành, mãnh liệt và nhân hậu.
- Giá trị nghệ thuật:
- Nghệ thuật điệp từ tôi yêu em, yêu được sử dụng vô cùng thành công.
- Nhịp thơ khi ngập ngừng sâu lắng diễn tả đau đớn thổn thức trong trái tim thi sĩ, khi mãnh liệt trào dâng trong cảm xúc yêu đương nồng cháy.
Câu 2. Em hãy nêu nội dung chính của văn bản Tôi yêu em.
Tôi yêu em là một lời nói nhân văn, là tiếng lòng của bao nhiêu đôi trai gái có duyên mà không có phận. Bài thơ thấm đẫm nỗi buồn của mối tình không có điểm bắt đầu, nhưng là nỗi buồn của một tâm hồn yêu đương trong sáng, chân thành, và nhân hậu.
Câu 3. Nêu tác giả, tác phẩm, bố cục của văn bản Tôi yêu em.
1. Tác giả
- Tiểu sử:
- A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Puskin (1799 – 1837), Mặt trời của thi ca Nga.
- Xuất thân trong một gia đình quý tộc mê thơ và biết làm thơ từ thuở học sinh.
- Sinh ra và lớn lên trong thời đại cả nước Nga đang bị đè nặng bởi ách thống trị của chế độ nông nô chuyên chế.
- Là nhà thơ mở đầu, đặt nền móng cho văn học hiện thực Nga thế kỉ XIX.
- Sự nghiệp:
- Đóng góp của Puskin cho nền văn học: Puskin có đóng góp trên nhiều mặt, nhiều thể loại, nhưng cống hiến vĩ đại nhất của ông vẫn là Thơ trữ tình với hơn 800 bài thơ và 13 bản trường ca bất hủ.
- Về nội dung: thơ của Puskin thể hiện tâm hồn khao khát tự do và tình yêu của nhân dân Nga ð Chính vì thế mà Bielinxki đã nhận định Puskin là “bộ bách khoa toàn thư của hiện thực đời sống Nga nửa đầu thế kỉ XIX”.
- Về nghệ thuật: Puskin có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại.
- Các tác phẩm chính: Tiểu thuyết bằng thơ: Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin(1823 – 1831); Bi kịch lịch sử: Bô-rít Gô-đu-nốp (1825); Trường ca: Ru-xlan và Li-út-mi-la (1820), Người tù Cáp-ca-dơ(1821); Truyện ngắn: Cô tiểu thư nông dân(1830), Con đầm pích(1833)...
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh ra đời: Tôi yêu em là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Puskin, được khơi nguồn từ mối tình của nhà thơ với A.Ô-lê-nhi-na, người mà mùa hè năm 1829 Puskin cầu hôn nhưng không được chấp nhận.
b. Phương thức biểu đạt: Biểu cảm.
c. Ý nghĩa nhan đề:
- Trong nguyên bản bài thơ không có tên. Nhan đề “Tôi yêu em”là do người dịch đặt.
- Trong tiếng Nga “явас любил – Tôi yêu em” có thể dịch ra tiếng Việt là:
- Tôi yêu chị.
- Tôi yêu em.
- Tôi yêu cô.
- Anh yêu em...
- Lựa chọn “Tôi yêu em” người dịch đã đạt được hai điều:
- Phù hợp với sắc thái tình cảm vừa gần gũi, vừa xa cách, vừa đằm thắm, vừa dang dở của hình tượng bài thơ.
- Phù hợp với một bài thơ viết về tình yêu đôi lứa.
3. Bố cục
- Phần 1 (4 câu đầu): Lời giải bày tình yêu chân thành.
- Phần 2 (4 câu cuối): Cung bậc trong tình yêu và nhân cách cao thượng.
Câu 4. Phân tích văn bản Tôi yêu em.
Tình yêu không còn là đề tài xa lạ đối với các thi nhân, nó trở thành nguồn cảm hứng dào dạt khiến họ tốn biết bao giấy mực. Yêu và được yêu luôn là niềm mong muốn của mỗi chúng ta. Tuy nhiên không phải yêu thương nào trao đi cũng được đáp lại một cách trọn vẹn. Có thể nói, Puskin đã rất thành công ở việc thể hiện những cung bậc cảm xúc trong tình yêu đơn phương của một chàng trai qua bài thơ "Tôi yêu em".
Puskin là "Mặt trời của thi ca Nga". Tài năng của ông được thể hiện trên các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, trường ca, truyện ngụ ngôn, những thể loại mà ông thành công nhất là thơ trữ tình với hơn tám trăm bài thơ. "Tôi yêu em" là tác phẩm nổi tiếng của thi sĩ lừng danh được khơi nguồn từ mối tình cảm đơn phương với nàng A. Ô-lê-nhi-na. Puskin đã cầu hôn nàng vào mùa hè năm 1829 nhưng không được chấp nhận. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông viết nên bài thơ này.
Nhan đề bài thơ do Thúy Toàn đặt. Nó ẩn chứa dụng ý và sự tinh tế của người dịch khi không đặt nhan đề là "Anh yêu em" hay "Tôi yêu cô". "Tôi yêu em" là một nhan đề hợp lí. Bởi lẽ cách xưng hô "Anh - em" quá thân thiết, tình cảm trong khi mối quan hệ của Puskin và Ô-lê-nhi-na không hẳn như vậy còn cách xưng hô "Tôi - cô" lại quá xa lạ, ít bộc lộ cảm xúc. Vì vậy, không có nhan đề nào phù hợp hơn là "Tôi yêu em" để diễn tả mối quan hệ không phải người dưng nhưng cũng không quá gần gũi, tình cảm.
Pu-skin đã khắc họa những giằng xé trong tâm trạng của nhân vật trữ tình bằng những lời thơ giản dị:
"Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai"
Tác giả đã khẳng định tình cảm của mình dành cho cô gái qua cụm từ "Tôi yêu em" mở đầu bài thơ. Đây là thứ tình cảm chân thành, đằm thắm, không chút vụ lợi, toan tính. Chàng trai ấy không mượn những hình ảnh ẩn dụ để bày tỏ tình cảm mà anh lại trực tiếp nói ra những tâm tư trong lòng mình. Khi yêu đơn phương, không phải bất cứ ai cũng có đủ can đảm để nói ra điều đó. Biết rằng tình yêu ấy không được em chấp nhận nhưng nó vẫn bùng cháy trong trái tim "tôi", khiến "tôi" bồi hồi không yên. Ngọn lửa tình yêu cứ âm ỉ cháy, nó chưa tắt hẳn và cũng chưa "tàn phai" trong tâm hồn của nhân vật trữ tình. Đó là một tình yêu chung thủy chứ không phải thứ tình cảm mua vui, trêu đùa. Vậy nên chàng trai mới có sự vấn vương, không dứt khoát. Tâm trạng này được nhà thơ thể hiện qua các từ ngữ "chừng có thể", "chưa hẳn", để khẳng định tình yêu "tôi" dành cho em là sự thật.
Nhưng tình cảm là thứ không thể gượng ép. Chúng ta không thể bắt buộc ai đó yêu mình nếu như bản thân họ không muốn. Chàng trai trong mối tình đơn phương kia cũng như vậy, anh không muốn cô gái vì anh mà phải bận lòng, suy nghĩ hay u buồn vì bất cứ điều gì nữa:
"Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài".
Nhân vật trữ tình đã đưa ra một quyết định mang tính lí trí và đầy sự dứt khoát. Nếu tình yêu của anh không mang lại cho cô gái niềm hạnh phúc mà chỉ khiến cô phải khó xử, băn khoăn thì tốt hơn hết là anh nên chấm dứt tình yêu ấy. Anh sẵn sàng hi sinh tình yêu của mình để đổi lấy sự thanh thản trong tâm hồn của người anh yêu. Hành động của nhân vật thật cao thượng và đáng ngưỡng mộ. Có mấy ai làm được như vậy bởi khi đắm say trong tình yêu trần thế con người ta rất dễ mù quáng, họ không ý thức được hành động của bản thân, thậm chí có thể bất chấp các thủ đoạn để tìm mọi cách chiếm đoạt được người mình yêu mà không quan tâm đến chuyện người ấy thực sự có tình cảm với mình hay không.
Liệu rằng sẽ có bao nhiêu người hành động cao thượng như chàng trai trong bài thơ này? Anh tôn trọng người con gái và nhận lấy những đau khổ, buồn bã về mình. Chắc hẳn anh đã có cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt nhưng vượt lên trên tất cả, anh luôn mong người ấy được hạnh phúc. Nhân vật trữ tình tự chối bỏ tình yêu, chối bỏ những cảm xúc say đắm của mình và nhẫn tâm dập tắt đi ngọn lửa tình đang ấp ủ để cô gái không phải suy tư về anh nữa.
Trong tình yêu luôn tồn tại những trạng thái cảm xúc khác nhau, khi thì nồng nàn, tha thiết, khi lại giận dỗi, hờn ghen:
"Tôi yêu em âm thầm không hi vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em yêu chân thành đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em".
Vì là tình cảm đơn phương nên nó diễn ra trong sự "âm thầm", im lặng không được ai khác biết đến và cũng không có nhiều hi vọng, niềm tin vào tương lai. Chàng trai có lòng ghen nhưng cũng chỉ riêng bản thân mình biết và chịu đựng điều đó. Anh yêu cô gái chân thành, mãnh liệt nhưng cũng có lúc "rụt rè", "hậm hực" bởi không được thể hiện những cảm xúc của bản thân. Tình yêu luôn đi đôi với sự ghen tuông, nó là một trong những biểu hiện của tình yêu đôi lứa. Nhưng nhân vật trữ tình lại ghen trong âm thầm, ghen nhưng không được nói ra mà lại phải chịu những nỗi đau, nỗi tuyệt vọng giày vò, giằng xé tâm can. "Tôi yêu em chân thành như thế, dịu dàng như thế" nhưng không được em đền đáp. Phải chăng chàng trai đang trách móc cô gái? Câu thơ mang nặng nỗi buồn u ám, sự nặng nề trong tâm trạng của nhân vật trữ tình. Dường như, anh đang rơi vào sự tuyệt vọng, bất lực khi không có tư cách gì để thể hiện những trạng thái đó với người mình yêu.
Điệp ngữ "Tôi yêu em" được lặp lại ba lần trong bài thơ có ý nghĩa nhấn mạnh, khẳng định tình cảm của nhân vật trữ tình. Không chỉ nhận lấy những đau khổ, dằn vặt về mình, chàng trai còn chúc phúc cho cô gái sẽ tìm được tình yêu đích thực: "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em".
Khác với suy nghĩ của bạn đọc, chàng trai không hề có ý trách móc cô gái mà anh còn cầu chúc những điều tốt đẹp đến với cô. Mặc dù không có được tình yêu của "em", không có được trái tim "em" nhưng nhân vật trữ tình luôn mong "em" sẽ tìm được một người yêu thủy chung, chân thành như "tôi đã yêu em". Lời nguyện cầu ấy đã thể hiện sự cao thượng, vị tha trong con người của chàng trai. Puskin không vì sự ích kỉ của bản thân mà trở nên nhỏ nhen, thù hận. Đó cũng là cách hành xử văn minh mà tất cả chúng ta cảm thấy ngưỡng mộ, khâm phục và cần phải học tập. Đối với tác giả, yêu là niềm hạnh phúc, dù tình yêu ấy có được đáp lại hay không thì tình yêu luôn mang lại những trải nghiệm ý nghĩa.
Bằng ngôn từ giản dị, trong sáng cùng với việc sử dụng điệp từ "Tôi yêu em", nhà thơ đã khắc họa nỗi buồn của một tâm hồn rực cháy những tình cảm yêu thương chân thành, nhân hậu. Tình yêu của nhân vật trữ tình đã vượt qua cái tầm thường để hướng đến cái cao cả. Đây cũng là lí do để bài thơ "Tôi yêu em" của Puskin được đánh giá là "viên ngọc vô giá trong kho tàng thi ca Nga".
Tham khảo thêm bộ đề thi dành cho học sinh giỏi Văn lớp 11 cấp huyện, cấp thành phố giúp bạn nâng cao khả năng viết và cảm nhận văn học từ đó có thể dễ dàng nắm bắt được kiến thức trọng tâm.
Bộ tài liệu Soạn văn 11 siêu ngắn đầy đủ tập 2, tập 1 và giải bài tập SGK 11 Cánh Diều mà Giaibaitapsgk.net cung cấp sẽ giúp các em học sinh nhanh chóng hoàn thiện bài tập. Đây cũng là "bí kíp" giúp các vị phụ huynh nắm được kiến thức trọng tâm và đồng hành cùng con học tập.