Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày cảm nhận của bạn về một bài thơ của Nguyễn Trãi
Viết
Bài tập 1. Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày cảm nhận của bạn về một bài thơ của Nguyễn Trãi.
02 Bài giải:Trả lời:
Như một ngôi sao sáng rực trên nền trời văn học Việt Nam, Nguyễn Trãi đã để lại cho nền văn học đầu thế kỉ XV nói riêng và nền văn học dân tộc nói chung khối tác phẩm vô cùng đồ sộ mang những giá trị sâu sắc về cả mặt nội dung lẫn nghệ thuật. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc tới thi phẩm “Ngôn chí” bài thơ số 11 được trích trong “Quốc âm thi tập”. Ngay mở đầu bài thơ, Nguyễn Trãi đã mở ra trước mắt độc giả một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, thanh tao mà qua đó chúng ta cũng thấy được khuynh hướng cảm hứng thiên nhiên được thể hiện:
“ Cỏ xanh cửa dưỡng để lòng nhân,
Trúc rợp hiên mai quét tục trần.”
Bài thơ được sáng tác trong lúc Nguyễn Trãi về ở ẩn mà noi theo Chu Đôn Di (Chu Liêm Khê) - một triết gia Trung Quốc sống vào đời Tống mà để cỏ mọc đầy trước sân nhà. Cả câu thơ toát lên vẻ thanh cao, một lối sống gần gũi, hài hòa với thiên nhiên của Nguyễn Trãi đó là nuôi cỏ ở cửa để dưỡng lòng nhân. Ở đây, chúng ta có thể hiểu rằng “cỏ xanh” được tự sinh trưởng, phát triển và mọc theo lẽ tự nhiên giống với ý niệm “dưỡng để lòng nhân”. Không làm hại, không tác động đến cỏ, đến tự nhiên tức không làm tổn hại bất cứ ai trong cuộc đời. Điều này giống như câu nói của nhà triết gia người Trung Quốc Chu Đôn Di vừa nhắc tới: “Dữ tự gia ý tứ nhất ban” (tâm ý của ta cũng muốn như vậy). Như thế, đạo lý nuôi dưỡng tấm lòng nhân hậu, nhân đạo của con người thường bắt đầu từ những điều bình dị chứ đâu cần đến những ngôn từ đao to búa lớn. Hai câu thơ vừa lột tả được khung cảnh thiên nhiên gần gũi với mái nhà đơn sơ, cỏ mọc trước sân nhà, hai bên là hàng trúc rủ bóng gợi được cái thanh tao, bình dị trong cảm xúc của độc giả. Nối tiếp bốn câu thơ sau chính là biểu hiện của khuynh hướng cảm hứng tôn giáo trong thơ Nguyễn Trãi:
“Nghiệp cũ thi thư hằng một chức,
Duyên xưa hương hoả tượng ba thân.
Nhan Uyên nước chứa bầu còn nguyệt,
Ðỗ Phủ thơ nên bút có thần.”
Bốn câu thơ là nơi bày tỏ cái duyên trong suốt ba kiếp từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của nhà thơ: duyên lửa hương với văn chương. Chính vì vậy mà ông nói đến cái “nghiệp cũ thi thư” tức là quá khứ của mình hằng chuyên chú một việc - sáng tác với thơ văn. Có thể nói, bằng cách mượn qua niệm “ba thân” trong Phật giáo mà nhà thơ đã bày tỏ được nỗi niềm với cái duyên văn chương trong ba kiếp đời mình. Ông tuy về ở ẩn những vẫn trung thành với cái nghiệp duyên đó cho đến cuối đời vừa để nói lên tâm trạng, cốt cách thanh cao, tâm hồn hòa mình với thiên nhiên vừa để bộc lộ những cảm nghĩ của mình với đời, với con người dưới con mắt tinh tế của mình. “Nhan Uyên” hay “Đỗ Phủ” đều là những con người có tầm ảnh hưởng đến lối sống, cảm nhận cũng như cảm thơ của Nguyễn Trãi trước sự đời. Nhan Uyên chưa từng khoe khoang hay thể hiện ưu điểm của mình mà ông rất khiêm tốn. Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Trãi cũng noi theo ông lối sống đó để giữ cốt cách thanh cao của mình. Cuối cùng kết lại bài thơ chính là hai câu thơ:
“Nợ quân thân chưa báo được,
Hài hoa còn bợn dặm thanh vân.”
Hai câu cuối trong thi phẩm đã bộc lộ cảm nghĩ của ông về mối quan hệ giữa vua và cha mẹ trong mối nợ của kẻ “tôi” chưa báo đáp được hết. Ở đây, Nguyễn Trãi đã đề cập đến “hài hoa” hay giầy hoa của kẻ sĩ làm quan còn vướng bận trên con đường công danh. Chính vì sự vướng bận đó mà “nợ quân thân” chưa được báo đáp hết. Ngoài ra ông cũng thể hiện cái nhìn của mình về cuộc đời, về những kẻ chỉ hám danh lợi mà bán đứng cha mẹ, vua và đất nước. Thông qua “Ngôn chí” bài thơ số 11, Nguyễn Trãi đã thành công thể hiện được các khuynh hướng cảm hứng sáng tác trong thi phẩm nói riêng và sự nghiệp sáng tác nói chung một cách hài hòa. Chính vì vậy mà trải qua mấy trăm năm lịch sử, văn thơ Nguyễn Trãi vẫn luôn trường tồn với thời gian và kết tinh trong mình nhiều thành tựu nổi bật ở nền văn học trung đại trước và cả văn học dân tộc Việt Nam.